Tăng cường đại biểu HĐND chuyên trách - một yêu cầu cấp thiếtBài 3: Chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ dân tốt nhất

Tăng cường đại biểu HĐND chuyên trách - một yêu cầu cấp thiếtBài 3: Chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ dân tốt nhất
một ngày trướcBài gốc
Người dân mong gì ở đại biểu HĐND?
Trong mắt người dân, đại biểu HĐND không chỉ là người dự họp và biểu quyết nghị quyết, mà phải là người "nói thay tiếng nói của dân", "đứng về phía dân" khi giám sát hoạt động của chính quyền và tham gia quyết định các vấn đề của địa phương; chính vì vậy, vai trò đại biểu chuyên trách - tức là những người dành toàn bộ thời gian cho công việc dân cử - đang được cử tri đặt nhiều kỳ vọng. Thực tiễn hoạt động của HĐND cấp xã qua các nhiệm kỳ, bên cạnh những kết quả đạt được, các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của nhiều địa phương cũng đã mạnh dạn chỉ ra còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả, nhất là trong giải quyết các tâm tư, nguyện vọng chính đáng cử tri phản ánh cũng như giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri. Một trong số nguyên nhân được chỉ ra do chất lượng, cơ cấu đại biểu, thiếu đại biểu chuyên trách; ở cấp xã hiện nay, chỉ có một đại biểu HĐND chuyên trách là Phó Chủ tịch HĐND.
Đa số cử tri mong muốn đại biểu HĐND phải “nói thay tiếng nói của dân” khi giám sát hoạt động của chính quyền và tham gia quyết định các vấn đề của địa phương. Ảnh: Bình Nguyên
Anh Nguyễn Văn Thắng, một cựu chiến binh tại huyện K’rông Năng, tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: “Chúng tôi cần người đại diện thực sự gắn bó với đời sống dân sinh; cần có người có mặt thường xuyên để nghe phản ánh, theo sát xem chính quyền làm gì, làm có đúng không, có hiệu quả không.”
Không chỉ ở miền núi, tại các đô thị lớn - nơi tốc độ đô thị hóa nhanh và các vấn đề xã hội phát sinh nhiều - nhu cầu có đại biểu chuyên trách cũng được nhiều cử tri nêu ra; bà Võ Thị Lệ, cán bộ hưu trí tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai băn khoăn: “Chức năng giám sát của HĐND rất quan trọng, nhất là về đất đai, ngân sách, đầu tư công; nếu đại biểu chỉ kiêm nhiệm, làm thêm ngoài giờ, làm sao có thể nghiên cứu sâu, giám sát hiệu quả?”.
Nên bố trí mỗi ban HĐND cấp xã 2 đại biểu chuyên trách
Một trong những lý do khiến người dân ủng hộ việc tăng cường đại biểu chuyên trách ở hai cấp, trong đó có cấp xã do khối lượng công việc tại cấp cơ sở ngày càng nhiều. Khi tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp, không tổ chức cấp huyện, toàn bộ công việc sẽ dồn về cấp xã và tỉnh. Trong khi đó, chính cấp xã là nơi trực tiếp tiếp xúc, giải quyết các vấn đề hàng ngày của người dân - từ an sinh xã hội, trật tự, xây dựng cơ bản đến các dịch vụ công thiết yếu. Mặc dù là cấp gần dân nhưng trong tổ chức mô hình chính quyền hai cấp hiện nay thì sau sắp xếp, xã mới trung bình sáp nhập từ 2 - 3 xã trước đây mà thành.
Bộ máy cấp xã mới sau sắp xếp theo lộ trình chỉ còn 32 biên chế (ổn định từ năm 2030); đảm nhận gần như toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp huyện trước đây cùng với nhiệm vụ của cấp xã, trong khi đại biểu HĐND lại hoạt động bán thời gian, làm sao đảm đương được vai trò giám sát và quyết định đúng đắn? Việc tăng biên chế đại biểu HĐND chuyên trách rất cần thiết khi sửa luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nên quy định tối đa không quá 5 đại biểu chuyên trách ở cấp xã, còn bố trí cơ cấu, số lượng cụ thể như thế nào thì tùy địa phương quyết định - ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh phân tích.
Không chỉ khối lượng công việc tăng, yêu cầu về minh bạch, giải trình và công khai thông tin của chính quyền cơ sở cũng ngày càng cao. Trong bối cảnh đó, vai trò của đại biểu HĐND - đặc biệt là những người có thời gian và chuyên môn để giám sát chặt chẽ - càng trở nên cấp thiết. Chưa đồng tình với quy định tại điểm c, điểm d khoản 3 Điều 29 Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thùy cho rằng: trong thời đại công nghệ số phát triển, người dân đồng hành, giám sát hoạt động của chính quyền là việc không khó, rất cần những đại biểu của dân đồng hành, lắng nghe, chia sẻ. Đây cũng là kênh thể hiện rõ nét mối liên hệ giữa đại biểu với cử tri; người kiêm nhiệm sẽ không thể toàn tâm, toàn ý đồng hành với cử tri. Ở cấp tỉnh, lãnh đạo ban nên bố trí đại biểu HĐND chuyên trách; còn ở cấp xã, ít nhất mỗi ban có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách.
Bước đi quan trọng cải thiện chất lượng quản trị địa phương
Để thực sự bảo đảm hiệu quả hoạt động của đại biểu chuyên trách, anh Trần Hữu Phước - một kỹ sư xây dựng tại TP. Huế cho rằng, cùng với tăng đại biểu chuyên trách, phải đi kèm với đánh giá hiệu quả, kiểm soát chất lượng. Bởi, nếu một đại biểu chuyên trách không chủ động tiếp dân, không đi cơ sở, không nghiên cứu kỹ các báo cáo, thì cho dù họ làm toàn thời gian cũng chưa chắc đã hiệu quả hơn một người kiêm nhiệm nhưng tâm huyết. Một số cử tri cũng đề xuất, nên phân cấp linh hoạt hơn trong quy định số lượng đại biểu chuyên trách. “Không thể áp dụng một con số cho cả xã vùng núi chỉ vài trăm hộ dân và một phường ở thành phố có mấy chục nghìn dân được,” bà Lê Thị Lan - giáo viên nghỉ hưu tại Đà Nẵng nói.
Dù đồng tình hay còn băn khoăn, điểm chung đa số cử tri chia sẻ là mong muốn cơ quan dân cử ở địa phương - đặc biệt ở cấp xã - thực sự trở thành cơ quan đại diện cho nhân dân thực chất. Việc tăng cường đại biểu chuyên trách đi kèm với đổi mới hoạt động, minh bạch trách nhiệm và gắn bó với người dân, sẽ là bước đi quan trọng cải thiện chất lượng quản trị địa phương. Trong thời điểm đất nước đang đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, việc củng cố niềm tin của người dân hiệu quả nhất chính là nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Lê Hồng Hạnh, Trưởng phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/tang-cuong-dai-bieu-hdnd-chuyen-trach-mot-yeu-cau-cap-thiet-bai-3-chinh-quyen-gan-dan-sat-dan-phuc-vu-dan-tot-nhat-10374031.html