Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong các dịp lễ, tết sắp đến

Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong các dịp lễ, tết sắp đến
4 giờ trướcBài gốc
Ông Phạm Ngọc Sơn
P.V: Ông nhận định thế nào về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong các dịp Giáng sinh, Năm mới và Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp đến?
Ông Phạm Ngọc Sơn: Đây sẽ là thời điểm cao điểm nhất trong năm về mua sắm, tiêu dùng của người dân và du khách, đặc biệt là sử dụng các dịch vụ về ăn uống, vui chơi, giải trí, v.v… trong dịp Tết cổ truyền. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng kinh doanh sẽ thực hiện các hành vi vi phạm trong kinh doanh nhằm thu lợi bất chính như: tuồn hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, v.v… vào thị trường để tiêu thụ sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng; đầu cơ tích trữ hàng hóa, tăng giá hàng hóa và dịch vụ tùy tiện, bất hợp lý, thậm chí "chặt chém" khách hàng khi ăn uống, gửi xe, vui chơi, giải trí…
P.V: Cục QLTT TP đã triển khai công tác kiểm tra kiểm soát thị trường như thế nào trong các dịp lễ, tết này ?
Ông Phạm Ngọc Sơn: Từ tháng 11-2024, Cục QLTT TP đã triển khai Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, nhất là dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 và các kế hoạch kiểm tra chuyên đề của các Đội QLTT đã được Cục QLTT TP phê duyệt. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những trường hợp vi phạm kinh doanh các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025 như: rượu, bia, thuốc lá, lương thực, thực phẩm, hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh, mặt hàng thời trang các loại, gia súc, gia cầm…; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như: các sàn thương mại điện tử, các website kinh doanh trực tuyến, các mạng xã hội gồm Facebook, Tiktok, v.v…; tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan chức năng của TP trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…
P.V: Trường hợp người dân và khách hàng phát hiện vi phạm về kinh doanh thì làm thế nào để phản ánh đến lực lượng QLTT can thiệp và xử lý kịp thời?
Ông Phạm Ngọc Sơn: Như tôi đã nói, bên cạnh việc bám sát địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục QLTT TP còn thiết lập "Đường dây nóng" từ cấp lãnh đạo Cục đến các Đội QLTT để tiếp nhận các thông tin phản ánh, tố cáo từ các tổ chức, công dân, du khách đối với các trường hợp vi phạm về kinh doanh diễn ra trên địa bàn TP. Cụ thể, "Đường dây nóng" gồm có: 02363.624.190/0829.00.17.99 (số điện thoại Văn phòng Cục QLTT TP Đà Nẵng). Đồng thời "Đường dây nóng" còn có số điện thoại của lãnh đạo Cục QLTT TP, Đội trưởng các Đội QLTT quản lý các địa bàn quận, huyện và số điện thoại Đội trưởng Đội cơ động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Đà Nẵng.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này !
PHÚ NAM (thực hiện)
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/tang-cuong-dau-tranh-chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-va-hang-gia-trong-cac-dip-le-tet-sap-den-post305957.html