Nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”, Đề án số 19-ĐA/TU ngày 13/8/2019 của Tỉnh ủy về “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng, giai đoạn 2019 - 2025” được ngành giáo dục tích cực triển khai thực hiện từ năm học 2021 - 2022.
Các cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh. Phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức 276 hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống cho 125.945 lượt học sinh, 806 hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ; tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” ở tất cả các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh... Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch duy trì hoạt động của hơn 130 câu lạc bộ “Cùng em khám phá Công viên địa chất” trong các trường học, tổ chức Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” cấp tỉnh. Phối hợp với ngành Công an tổ chức 12.276 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với khoảng 1.200.000 lượt người tham gia; tổ chức 1.982 buổi ngoại khóa pháp luật; hưởng ứng hàng nghìn cuộc thi tìm hiểu về pháp luật với 185.000 người tham gia. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 10 hội nghị tập huấn hướng dẫn quản lý và vận hành Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” cho 360 cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, giáo viên Tổng phụ trách Đội, các dẫn trình viên thuộc các trường THCS trên địa bàn tỉnh...
100% cơ sở giáo dục triển khai các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên lồng ghép, tích hợp trong hoạt động dạy học các môn học có liên quan, như: Ngữ văn, Giáo dục công dân/Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử và Địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương... 100% cơ sở giáo dục phổ thông thành lập tổ tư vấn tâm lý; bố trí phòng/góc tư vấn phù hợp với điều kiện của đơn vị; có giáo viên tham gia tập huấn về công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm. 100% cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua các trang mạng xã hội phổ biến (facebook, zalo), các fanpage của Đoàn trường, nhà trường; qua các Infographic, video clip; thành lập các câu lạc bộ sở thích...
Học sinh được tham gia các diễn đàn góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh.
Đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Tiêu biểu như mô hình “Mỗi thầy, cô giáo nhận đỡ đầu từ 1 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường” của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh được tôn vinh tại Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” năm 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Một số trường học tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt với các nhân vật lịch sử, như: Trường THCS Hợp Giang (Thành phố) tổ chức giao lưu với Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân để học sinh tìm hiểu lịch sử, truyền thống một cách trực tiếp và sinh động.
Em Nông Ngọc Linh, Trường THCS Tân Giang (Thành phố) chia sẻ: Qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa do nhà trường tổ chức, em thu được nhiều kiến thức và trải nghiệm bổ ích không những để phục vụ cho việc học tập mà còn có nhận thức đúng đắn để quyết tâm phấn đấu, rèn luyện bản thân.
Tham gia các cuộc thi có nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, từ năm học 2021 - 2022 đến nay, học sinh trên địa bàn tỉnh đạt 59 giải Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinh và giáo viên trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Công ty Honda Việt Nam tổ chức; 1 giải khuyến khích và 1 giải Sưu tầm Cuộc thi “Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em” cấp toàn quốc; 1 giải ba, 1 giải tư toàn quốc Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; 1 giải ba, 4 giải khuyến khích, 1 giải chuyên đề Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc vòng chung kết toàn quốc... Công tác phát triển Đảng trong học sinh được chú trọng, từ năm 2024 đến nay, có 13 học sinh cấp THPT được kết nạp Đảng.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phan Văn Giáp cho biết: Các hoạt động giáo dục đạo đức và lối sống cho học sinh, sinh viên có ý nghĩa lớn, lan tỏa những giá trị đạo đức, lối sống tích cực, truyền cảm hứng và tạo động lực mạnh mẽ cho thế hệ trẻ vươn lên trong học tập, trong cuộc sống. Trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng môi trường học tập xanh, sạch, đẹp, an toàn, hạnh phúc, góp phần bồi dưỡng thế hệ trẻ có lý tưởng, phẩm chất và nhân cách tốt đẹp.
Dạ Đăng