Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: P.D
Tại cuộc họp, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo tóm tắt tiến độ triển khai kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đến ngày 8-1, các địa phương đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát; 16/17 địa phương ban hành kế hoạch triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát; 11/17 địa phương ban hành quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có công với cách mạng đủ điều kiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Qua tổng hợp danh sách phê duyệt của 11 địa phương, sau khi tách danh sách hộ thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia, số liệu có sự thay đổi so với báo cáo trước đó. Cụ thể, toàn tỉnh có tổng số 8.633 căn nhà cần xây dựng, sửa chữa (tăng 455 nhà); trong đó, 237 nhà ở cho người có công (giảm 11 nhà), 5.916 nhà ở cho hộ nghèo (tăng 562 nhà), 2.480 nhà ở cho hộ cận nghèo (giảm 96 nhà). Tổng nhu cầu kinh phí là 472,56 tỷ đồng, tăng 33,99 tỷ đồng so với trước đó.
Bà Hoàng Thị Lan Anh-Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho biết: Toàn huyện có 639 nhà ở cần hỗ trợ, trong đó xây dựng 508 nhà, sửa chữa 131 nhà. Tuy nhiên, huyện cũng gặp một số khó khăn trong triển khai thực hiện, nhất là nguồn vốn đối ứng và thủ tục về đất đai.
Nguyên nhân là do phần lớn hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu để hoàn thành các thủ tục liên quan mới xây dựng nhà ở thì rất khó kịp tiến độ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: P.D
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã trực tiếp trao đổi, hướng dẫn để cùng các địa phương tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm việc triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung thống nhất với đề xuất của một số địa phương trong việc vừa tiến hành xây dựng, vừa hoàn thiện các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương rà soát quỹ đất để điều chỉnh phù hợp. Các vị trí xác định xây dựng và đất do các hộ dân sử dụng trước đó nhưng chưa nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì địa phương phải có số liệu cập nhật, điều chỉnh, đưa vào quy hoạch.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch đề xuất: Các địa phương cần nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng thụ hưởng để phân loại mẫu nhà ở, tương ứng với kinh phí nhằm tạo thuận lợi trong việc triển khai thực hiện.
Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính trao đổi, hướng dẫn các địa phương việc sử dụng các nguồn kinh phí, nhất là kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 và được chuyển nguồn năm 2025.
Đại diện Ban Dân tộc tỉnh hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung tham gia ý kiến. Ảnh: P.D
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, đề nghị các đơn vị, địa phương xác định rõ mục đích, ý nghĩa và tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần quyết tâm cao nhất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, nhất là đối tượng thụ hưởng. Các địa phương cần xác định rõ danh sách đối tượng thụ hưởng và phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý về đất ở.
Các địa phương làm việc với đối tượng thụ hưởng để thống nhất mẫu nhà ở, phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa và điều kiện thực tế; đồng thời, huy động các nguồn lực, nhất là các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn để xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai công tác dân vận, giúp về ngày công xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương về quy trình, hồ sơ thanh quyết toán các nguồn kinh phí thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; phối hợp cùng Ban Dân tộc sớm đề xuất UBND tỉnh liên quan đến các nguồn kinh phí triển khai thực hiện.
Trước mắt, tập trung vào nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước và chọn những gia đình chính sách khó khăn về nhà ở để tập trung làm trước; tiếp đến là hộ nghèo, cận nghèo.
“Vấn đề càng vướng, càng khó thì càng phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được phân công phụ trách địa bàn trực tiếp xuống địa phương để vừa hướng dẫn, vừa tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát để điều chỉnh kịp thời”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
PHƯƠNG DUNG