Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh thực phẩm giả

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh thực phẩm giả
6 giờ trướcBài gốc
Nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế, Công an và các ngành liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, sản phẩm dinh dưỡng giả (dạng sữa bột) để xử lý theo quy định, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng dạng lỏng (pha sẵn) do Công ty TNHH Chăm sóc sức khỏe Châu Âu, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) phân phối. Ảnh: Kim Ly
Vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả nhắm vào người bệnh và trẻ nhỏ với doanh thu lên tới 500 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group (Hà Nội) vừa bị lực lượng công an phanh phui đã hé lộ những lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác quản lý chất lượng thực phẩm và hậu kiểm sản phẩm. Đây là đường dây sản xuất tinh vi với mạng lưới phân phối rộng khắp, đánh lừa người tiêu dùng bằng các chiêu trò quảng cáo thổi phồng công dụng.
Ngay sau khi vụ việc được phát hiện, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương rà soát các công ty trong đường dây sản xuất sữa giả có công bố sản phẩm, lưu hành sản phẩm trên địa bàn.
Kết quả rà soát theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Vĩnh Phúc cho thấy, từ năm 2021 - 2023, chi nhánh Vĩnh Phúc của Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã nộp 215 bộ hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm. Từ năm 2024 đến nay, Sở Y tế không tiếp nhận hồ sơ của 2 công ty này.
Cùng với công tác rà soát, Sở Y tế đã ban hành quyết định kiểm tra, hậu kiểm việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Y tế trên địa bàn tỉnh theo hình thức kiểm tra đột xuất.
Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, đoàn kiểm tra, hậu kiểm việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Sở Y tế chủ trì vừa tiến hành kiểm tra 2 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên.
Kiểm tra Công ty TNHH dinh dưỡng Quốc tế ION tại phường Đồng Tâm, đoàn kiểm tra không thấy có sản phẩm trong kho, không có hoạt động sản xuất các loại sữa bột pha sẵn và sản phẩm dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe như đã đăng ký kinh doanh nên không đối chiếu được việc ghi nhãn của sản phẩm thực phẩm đã sản xuất và đưa ra thị trường.
Vì vậy, đoàn kiểm tra yêu cầu công ty xuất trình danh sách các sản phẩm công ty đang sản xuất; danh sách đại lý, nhà phân phối của công ty; hồ sơ công bố sản phẩm và hồ sơ pháp lý về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các nguyên liệu thực phẩm còn tồn dư tại kho của công ty. Đoàn kiểm tra tiếp tục tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với các sản phẩm của doanh nghiệp này.
Tại Công ty TNHH Chăm sóc sức khỏe Châu Âu, phường Liên Bảo, doanh nghiệp phân phối 53 sản phẩm với 3 nhóm sản phẩm dinh dưỡng dạng bột, sản phẩm thực phẩm bổ sung dạng lỏng, sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng dạng lỏng (pha sẵn) cho người lớn và trẻ em.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra việc đăng ký kinh doanh, đăng ký sản phẩm phân phối và các hồ sơ, giấy tờ theo quy định của pháp luật, kiểm tra nhãn mác và các chỉ số công bố về thành phần dinh dưỡng của một số sản phẩm do công ty phân phối, tham quan thực tế quy trình sản xuất các sản phẩm sữa tại đơn vị đối tác của Công ty TNHH Chăm sóc sức khỏe Châu Âu là Công ty cổ phần Sữa và Đồ uống Việt Nam, Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên).
Mặc dù chưa phát hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về ATTP tại thời điểm kiểm tra, tuy nhiên, thành viên đoàn kiểm tra yêu cầu công ty chủ động lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn của sản phẩm thực phẩm do công ty phân phối; tiếp tục xuất trình các hồ sơ, giấy tờ, hồ sơ pháp lý về ATTP đối với các nguyên liệu thực phẩm cho đoàn kiểm tra.
Đồng chí Đào Anh Thái, Trưởng phòng ATTP (Sở Y tế) cho biết: “Từ ngày 17/4 đến hết tháng 7/2025, đoàn kiểm tra do Sở Y tế chủ trì sẽ tiến hành kiểm tra 36 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công tác quản lý, kiểm tra hậu kiểm, phát hiện sản phẩm sữa, sản phẩm bảo vệ sức khỏe kém chất lượng hoặc là hàng giả được sản xuất và phân phối trên thị trường gặp nhiều khó khăn do thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Khi kiểm tra thực tế tại một số cơ sở, tại thời điểm kiểm tra đều không phát hiện mẫu sản phẩm lưu trong kho hoặc sản phẩm vừa được sản xuất nhưng chưa đủ thời gian thử nghiệm theo tiêu chuẩn của đơn vị, vì vậy khó để lấy được mẫu của sản phẩm để kiểm nghiệm.
Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức, kiến thức về ATTP cho chủ các doanh nghiệp. Khi phát hiện hành vi vi phạm sẽ tiến hành thu hồi sản phẩm, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế xử lý theo quy định của pháp luật”.
Nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3593 yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp tăng cường thực hiện hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, tập trung phát hiện các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm kém chất lượng, các sản phẩm chưa thực hiện thủ tục tự công bố, đăng ký bản công bố trên thị trường.
Tăng cường thông tin tuyên truyền các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong lựa chọn và sử dụng các loại thực phẩm để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Quỳnh Hương
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128207//tang-cuong-kiem-tra-xu-ly-nghiem-cac-co-so-kinh-doanh-thuc-pham-gia