Tập trung tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn
Để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, từ đầu năm đến nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 nghị quyết, 5 công điện, văn bản. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chuyến công tác, làm việc với các địa phương để giải quyết vướng mắc, kiến nghị và kiểm tra thực tế địa bàn, đôn đốc triển khai các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các tổ công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ và thành viên Chính phủ làm tổ trưởng làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương để có chỉ đạo cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Năm 2025, tổng số vốn đầu tư công được Quốc hội quyết nghị là 829.365,421 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-4, các bộ, cơ quan Trung uơng và các địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2025 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 817.968,261 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30-4 là 128.500 tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong số các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phổ biến nhất là vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu (đất đắp nền, cát, đá...); vướng mắc về đơn giá, định mức, về quy hoạch…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi; tăng cường kiểm tra, giám sát, với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải chủ động trong thúc đẩy đầu tư…
Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu 8% năm 2025. Trong đó, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cần quán triệt phương châm 6 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả”; các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương phải quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai, bảo đảm không để xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn trong việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nói chung, đặc biệt dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc; các bộ, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn và tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Nỗ lực đạt kết quả cao nhất
Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2025, Bình Dương đang tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt các thủ tục; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; ưu tiên bố trí nguồn lực của ngân sách Nhà nước thực hiện các công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng; đầu tư các dự án kết nối vùng trên địa bàn tỉnh với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; phát huy vai trò đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, có lộ trình bảo đảm thực hiện và giải ngân hết 36.000 tỷ đồng được giao trong năm 2025.
Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong ảnh: Thi công công trình cầu Bình Gởi thuộc Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh
Bình Dương phấn đấu hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạ tầng trọng điểm mang tính chất lan tỏa, kết nối vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn tỉnh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đến ngày 31- 1-2026 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã có dự thảo kế hoạch “100 ngày đêm thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công năm 2025”. Mục đích của dự thảo kế hoạch nhằm tập trung cao độ và huy động tối đa các nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thời gian còn lại của năm 2025 trước khi thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, kế hoạch đề ra 2 giai đoạn thi đua: Giai đoạn 1 phấn đấu đến ngày 30-6-2025 tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công đạt 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; giai đoạn 2 phấn đấu đến ngày 31-8-2025 tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công đạt 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch, UBND tỉnh giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công cho từng cơ quan, đơn vị; giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án đầu tư công, giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành. Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công; bố trí làm thêm ngoài giờ hành chính, tăng ca, tăng kíp, tổ chức thi công hợp lý để vừa đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn phải đạt các yêu cầu về chất lượng công trình, an toàn lao động; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong giải ngân vốn đầu tư công...
PHƯƠNG LÊ