Hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động vệ sinh, tiêu độc khử trùng
Theo đó, đơn vị tiến hành kiểm tra trên tổng đàn còn lại 14 con lợn (40-50kg/con), có biểu hiện bỏ ăn, tím tái, mặc dù số lợn này trước đó đã được tiêm phòng vắc xin tam liên. Đoàn đã lấy mẫu gửi xét nghiệm, hướng dẫn chủ hộ vệ sinh, tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn chết theo đúng quy định. Chi cục CN&TY cũng đã cấp 146 lít hóa chất để xã Nam Đông thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục CN&TY thành phố cho biết, toàn xã Nam Đông hiện có 1.200 lợn, đã tiêm phòng vắc xin tam liên lợn 790 con (đạt 84%). Hiện xã đang triển khai tiêm phòng vụ Thu.
Thời gian tới, Chi cục tiếp tục chỉ đạo Trạm CN&TY khu vực 6 phối hợp chính quyền địa phương triển khai các biện pháp đồng bộ, quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, giám sát và xử lý dịch bệnh kịp thời, vệ sinh, tiêu độc khử trùng; hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn sinh học, kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, không giấu dịch, không buôn bán, giết mổ lợn bệnh, phải tiêu hủy theo đúng quy định.
Trước đó như Huengaynay Online đã thông tin, vào đầu tháng 7 này, tại cơ sở chăn nuôi lợn của ông Cao Viết Hùng xảy ra tình trạng một con heo nái xuất hiện triệu chứng đỏ da, sưng cổ và bỏ ăn. Dù đã chủ động điều trị và mời cán bộ Trạm CN&TY khu vực 6 đến kiểm tra, tiêm thuốc nhưng lợn không khỏi, chết sau 3 ngày. Những ngày tiếp theo, nhiều con lợn khác trong đàn cũng xuất hiện triệu chứng tương tự và lần lượt chết. Tính đến ngày 17/7, đã có 10/25 con lợn trong chuồng của ông Hùng chết chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, số còn lại cũng có dấu hiệu bệnh tương tự. Gia đình ông đã đào sẵn nhiều hố để tiêu hủy khi cần thiết.
“Khi đàn lợn bị bệnh và chết, gia đình tôi kiên quyết không bán rẻ hay giết mổ mà đào hố trong vườn để tiêu hủy theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Cao Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Đông, qua thống kê từ tháng 6/2025 đến nay, tại xã có 214 con lợn chết chưa rõ nguyên nhân. Đa phần các trường hợp lợn chết xảy ra ở các hộ chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ. Sau khi phát hiện tình trạng lợn chết hàng loạt, UBND xã đã phối hợp cùng cơ quan thú y đến các cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình kiểm tra, lấy mẫu, xử lý phun kháng sinh, khử trùng. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không buôn bán, giết mổ, tiến hành tiêu hủy lợn chết theo quy định, hỗ trợ vệ sinh, xử lý môi trường quanh khu vực chuồng trại.
Cũng theo ông Cao Bé, hiện địa phương đang phối hợp với cơ quan thú y lấy mẫu, phân tích để xác định rõ nguyên nhân khiến lợn nuôi của người dân bị chết nhằm kiểm soát tình hình. Cùng với đó, khuyến cáo người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, nhưng không nên hoang mang và cần chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng việc chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ thực phẩm đã qua kiểm tra, kiểm dịch thú y đúng quy định, thực hiện "ăn chín, uống sôi".
Bá Trí