Để tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh đúng quy định pháp luật, nhất là trong giai đoạn thực hiện chủ trương của Nhà nước về nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và chủ đầu tư các dự án theo chức năng, nhiệm vụ bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao theo kế hoạch.
Tăng cường công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng, trọng tâm là các chỉ thị, chỉ đạo của UBND tỉnh như Chỉ thị số 07 ngày 1/3/2022 về nâng cao chất lượng công trình và tiết kiệm chi phí trong đầu tư các dự án giao thông; Chỉ thị số 01 ngày 12/1/2023 về tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình; Chỉ thị số 05 ngày 28/3/2025 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang đường bộ trên địa bàn tỉnh…
Chủ động rà soát, thống kê, sắp xếp hồ sơ, danh mục dự án, hồ sơ quản lý công trình và các tài liệu có liên quan để phục vụ công tác bàn giao, lưu trữ khi thực hiện việc hợp nhất, giải thể, sáp nhập các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, thuộc huyện và xã theo lộ trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh….
Bên cạnh đó, các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư công, về quản lý xây dựng và trật tự xây dựng, công tác quản lý chất lượng công trình, công tác cấp phép xây dựng và quản lý hành lang giao thông, công tác quản lý trật tự đô thị để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh theo quy định.
Thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư dự án; chủ động, tăng cường trong công tác phối hợp, kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện dự án để đảm bảo chất lượng công trình, an toàn xây dựng và tuân thủ đúng pháp luật hiện hành.
UBND các huyện, thành phố quyết liệt chỉ đạo, đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà đầu tư triển khai thi công đảm bảo tiến độ, nhất là các dự án lớn, dự án trọng điểm như đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, khu công nghiệp Tam Dương, các dự án giao thông…
Giao Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Công thương tổ chức thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công một số dự án, công trình theo chuyên ngành quản lý do các ban quản lý dự án thuộc tỉnh làm chủ đầu tư nhằm kịp thời nắm bắt tình hình và đề xuất với UBND tỉnh các nội dung cần thiết để việc triển khai các dự án được thuận lợi, hiệu quả.
Đối với các chủ đầu tư dự án chủ động, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án, kịp thời báo cáo, đề xuất các nội dung có liên quan với người quyết định đầu tư, cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo theo quy định.
Chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu thi công tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, nỗ lực, tập trung nhân lực, thiết bị, nguồn vật liệu, khuyến khích các nhà thầu tăng ca, tăng kíp, thi công vượt tiến độ các hạng mục công trình trong phạm vi đã có mặt bằng thi công để sớm nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, đồng thời thường xuyên, tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng, quản lý chi phí, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường...
Tin, ảnh: Hồng Chung