Tăng cường quản lý học sinh sử dụng phương tiện giao thông

Tăng cường quản lý học sinh sử dụng phương tiện giao thông
2 giờ trướcBài gốc
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, trên địa bàn tỉnh có 57.399 học sinh cấp THCS và THPT, trong đó THCS 44.518 em, THPT 12.881 em và tỷ lệ các em sử dụng xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3, xe điện rất cao. Trong những năm qua, các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh kiến thức an toàn giao thông đặc biệt chú trọng Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Kết hợp giáo dục chính khóa với các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép giáo dục an toàn giao thông với các cuộc vận động, các phong trào thi đua, hoạt động của nhà trường; phát huy vai trò của các tổ chức trong nhà trường, đặc biệt là các tổ chức Đoàn, Đội trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục, nhắc nhở học sinh tự giác chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông. Từ đó, 100% học sinh đi xe đến trường đã thực hiện đăng ký phương tiện, chủng loại với nhà trường để nhà trường phối hợp công an địa phương kiểm tra, quản lý. Đa số phụ huynh học sinh không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe.
Tuy nhiên, khi làm việc với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh những số liệu khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Chỉ trong 21 ngày từ ngày 1-21/10/2024, tháng cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông trong học sinh. Tổng số học sinh trên địa bàn toàn tỉnh bị xử lý vi phạm giao thông là 200 trường hợp, trong đó Phòng Cảnh sát giao thông xử lý hơn 60 trường hợp; công an các huyện, thành phố là 130 trường hợp. Ngoài ra, thực hiện việc tạm giữ 139 phương tiện, trong đó 108 môtô, 31 phương tiện khác vi phạm luật giao thông.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra, nhắc nhở học sinh điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo Thượng tá Vũ Trọng Hiếu – Phó Phòng Cảnh sát giao thông cho biết: Các vi phạm chủ yếu của học sinh là lạng lách, đánh võng, học sinh chưa đủ 16 tuổi điều khiển xe gắn máy, xe máy điện... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và không ít vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Nhưng nhiều phụ huynh có tâm lý rất chủ quan, giao phương tiện cho con khi con chưa đủ tuổi, cho con đi xe đạp điện, xe máy điện khi con còn quá nhỏ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm và tai nạn giao thông trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh. Vì vậy, trong thời gian tới Phòng tiếp tục tổ chức tuyên truyền, đẩy mạnh xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong học sinh trên địa bàn tỉnh, xây dựng các cổng trường an toàn giao thông.
Hiện nay, trên thị trường, những chiếc xe gắn máy 2 bánh có động cơ dưới 50cm3, xe máy điện được thiết kế bề ngoài rất đẹp và thời trang đã được các em học sinh ưa chuộng. Dù là động cơ xăng hay điện, nhiều xe cũng có thể đạt tốc độ cao lên đến 70-80km/h. Việc học sinh THCS và THPT, đặc biệt là học sinh THPT hiện nay sử dụng các phương tiện xe gắn máy, xe máy tham gia giao thông rất phổ biến, nhưng vấn đề về an toàn, nhiều em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện là đáng lo ngại, cần phải được quan tâm quản lý chặt chẽ hơn nữa.
Anh Nguyễn Văn Huỳnh ở xã San Thàng, thành phố Lai Châu chia sẻ: “Nhiều hôm đi làm về có học sinh điều khiển xe gắn máy, xe điện tạt ngang đầu ô tô khiến tôi không khỏi thót tim, người điều khiển ô tô không để ý một chút là có thể xảy ra tai nạn. Việc học sinh tan trường đi hàng 3, hàng 4 trên các tuyến đường vẫn diễn ra”.
Cô Trần Thị Phước Thủy – Phó Hiệu trưởng Trường THPT thành phố Lai Châu cho biết: “Để đảm bảo an toàn giao thông, từ đầu năm học nhà trường đã cùng với phụ huynh, học sinh ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông, không giao xe cho học sinh dưới 16 tuổi điều khiển phương tiện. Tuy nhiên với trường hợp các em chưa đủ 16 tuổi mà gửi xe ở nhà người thân, người quen xung quanh trường chúng tôi rất khó quản lý”.
Bà Hoàng Thu Phương – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: Để quản lý học sinh sử dụng phương tiện giao thông, trong thời gian tới Sở tiếp tục yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, các đơn vị trường tổ chức cho phụ huynh học sinh ký cam kết về việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe. Không tổ chức trông giữ xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện của học sinh khi học sinh chưa có giấy phép lái xe hoặc chưa đủ tuổi. Tổ chức cho học sinh, cha mẹ học sinh đi xe đến trường đăng ký phương tiện, chủng loại với nhà trường để nhà trường phối hợp Công an địa phương kiểm tra, quản lý. Bên cạnh đó, các nhà trường tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy pháp luật về giao thông trong trường học.
Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong việc giáo dục, nhắc nhở học sinh tự giác chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông. Đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá chất lượng cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, giáo viên, nhân viên và là tiêu chuẩn đánh giá cuối năm của học sinh.
Tuy nhiên để giảm thiểu nguy cơ tai nạn, vi phạm Luật Giao thông đường bộ liên quan đến xe đạp điện và xe gắn máy điện trên địa bàn tỉnh đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan chức năng, nhà trường, và phụ huynh trong việc giáo dục ý thức tự giác cho học sinh.
Nguyễn Tùng
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-qu%E1%BA%A3n-l%C3%BD-h%E1%BB%8Dc-sinh-s%E1%BB%AD-d%E1%BB%A5ng-ph%C6%B0%C6%A1ng-ti%E1%BB%87n-giao-th%C3%B4ng