Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì hội nghị.
Cần ban hành thông tư quy chế mới
Đồng chủ trì hội nghị là bà Nông Thị Hà - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện một số vụ/cục, phòng/ban chức năng trực thuộc Bộ GD&ĐT và Ủy ban Dân tộc.
Theo ông Nguyễn Tiến Phúc - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Dân tộc, các trường dự bị đại học (DBĐH) đang thực hiện quy chế theo Thông tư 24/2011 của Bộ GD&ĐT. Đến nay, những quy định trên không còn phù hợp với thực tế, việc thực hiện ở các trường DBĐH không có sự đồng nhất. Do đó cần xây dựng thông tư mới để thống nhất chung về cơ cấu tổ chức bộ máy các trường DBĐH.
Hiện nay, việc tuyển sinh của một số trường DBĐH có xu hướng giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để tạo sự nhất quán liên thông các cấp học, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các dân tộc thiểu số (DTTS), đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH vùng DTTS, miền núi cần bổ sung nhiệm vụ "Giáo dục, bồi dưỡng học sinh phổ thông dân tộc nội trú cấp THPT".
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu mở đầu hội nghị.
Khung chương trình bồi dưỡng DBĐH và đề cương môn học đang được thực hiện theo Thông tư 48/2012 của Bộ GD&ĐT. Bộ GDĐT đã xây dựng thông tư thay thế, trong đó nội dung chương trình bồi dưỡng DBĐH được xây dựng phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Thông tư thay thế sẽ được triển khai thực hiện bắt đầu từ năm học 2025 – 2026.
Bộ GD&ĐT ban hành các văn bản quy định về chế độ chính sách chung cho nhà giáo như chế độ làm việc giáo viên; mã số, tiêu chuẩn chức danh, bổ nhiệm xếp lương và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh. Tùy theo nhu cầu của giáo viên và trường dự bị đại học, có thể đăng kí bồi dưỡng tại các cơ sở có đủ điều kiện tổ chức.
Trong bối cảnh Ủy ban Dân tộc không có đơn vị tham mưu về chuyên môn, nghiệp vụ về Chương trình GDPT 2018, Ủy ban Dân tộc chủ trì phối hợp với Bộ GD&ĐT để xây dựng cũng như tổ chức chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, trong đó có giáo viên Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.
Cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ
Các đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT và Ủy ban Dân tộc đã trao đổi những nội dung liên quan đến cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của trường đại học dự bị; tổ chức hoạt động giáo dục; chương trình bồi dưỡng và tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên trường dự bị đại học.
Các đại biểu cũng thảo luận về dự án đầu tư tại Trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang; chính sách cho nhà giáo và trẻ em, học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trao đổi và xin ý kiến về Đề án đổi mới mô hình hoạt động của các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban Dân tộc.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đề cập đến vấn đề xây dựng chương trình bồi dưỡng thường xuyên với cán bộ giáo viên trường dự bị dân tộc. Ông cho rằng, Ủy ban Dân tộc cần làm đầu mối triển khai tổ chức xây dựng chương trình bồi dưỡng này.
Bà Nông Thị Hà - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cảm ơn những ý kiến góp ý sâu sắc, thể hiện tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo ngành Giáo dục về các nội dung.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh, nước ta có 63 tỉnh/thành đều có đồng bào dân tộc thiểu số, trách nhiệm là rất lớn. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm, yêu cầu các đơn vị tâm huyết, trách nhiệm vì đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, rất khó và phức tạp.
Xây dựng cơ chế quản lý nhà nước và phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là chủ trương chính sách xuyên suốt của Đảng ta từ trước đến nay. Giáo dục dân tộc không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là nhiệm vụ chính trị, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng ở những nơi có vị trí chiến lược của quốc gia.
Qua buổi làm việc này, các ý kiến trao đổi, thảo luận, đóng góp đã được đại biểu của hai cơ quan nêu ra để cùng bàn luận. Bộ GD&ĐT luôn sẵn sàng phối hợp và cùng Ủy ban Dân tộc làm tốt nhiệm vụ chuyên môn. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu, sửa đổi những thông tư, hướng dẫn liên quan đến giáo dục dân tộc một cách chặt chẽ, khoa học.
Ngoài ra, vấn đề quy hoạch mạng lưới cũng rất quan trọng. Quy hoạch không chỉ về vị trí, khu vực mà còn về mô hình, cơ cấu, tổ chức hoạt động của các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban Dân tộc. Chính phủ cần tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách qua các thông tư, nghị định về giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Ngành Giáo dục cần có sự khảo sát, đánh giá, rà soát cơ chế, nguồn lực để tổng hợp tham mưu cấp trên.
Đình Tuệ