Trong số tài sản là cơ sở nhà, đất giao cho các địa phương quản lý gồm thành phố Đông Hà 170 cơ sở; thị xã Quảng Trị 69 cơ sở; các huyện: Vĩnh Linh 360 cơ sở; Gio Linh 298 cơ sở; Cam Lộ 135 cơ sở; Đakrông 204 cơ sở; Hướng Hóa 364 cơ sở; Triệu Phong 160 cơ sở; Hải Lăng 186 cơ sở; Cồn Cỏ 5 cơ sở.
Trong giai đoạn 2018-2024, UBND tỉnh đã triển khai sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Tổng số cơ sở nhà, đất sắp xếp lại đã phê duyệt phương án là 2.229 cơ sở nhà, đất trên tổng số 2.342 cơ sở (đạt 95,17%). Trong đó 362 cơ sở nhà, đất của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; 1.867 cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị cấp huyện. Kết quả giữ lại tiếp tục sử dụng 1.972 cơ sở (cấp tỉnh 291 cơ sở; cấp huyện 1.681 cơ sở). Điều chuyển 230 cơ sở (cấp tỉnh 50 cơ sở; cấp huyện 180 cơ sở).
Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý 21 cơ sở nhà, đất cấp tỉnh. Thu hồi 5 cơ sở thuộc cấp huyện. Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng 1 cơ sở nhà, đất cấp huyện. Có 70 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố đề xuất xử lý theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương.
Đối với trụ sở làm việc cấp xã thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, trong giai đoạn 2019 - 2021, đã sắp xếp 37 cơ sở. Trong đó có 32 cơ sở giữ lại tiếp tục sử dụng; 3 cơ sở điều chuyển; 2 cơ sở chưa được phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Việc quản lý, sử dụng tài sản công tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thực hiện theo phân cấp tại Nghị quyết số 31/2018/NQ-HĐND ngày 8/12/2018, Nghị quyết số 100/2021/ NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh Quảng Trị.
Việc đầu tư xây dựng mới các trụ sở của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng theo quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ. Đối với các cơ sở nhà là trụ sở làm việc phục vụ hoạt động quản lý và cơ sở nhà cung cấp dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp xây dựng trước thời điểm năm 2017, khi có nhu cầu cải tạo, sửa chữa, nâng cấp thì áp dụng theo tiêu chuẩn, định mức của Nghị định số 152/2017/NĐ-CP.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương được giao quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất đã ban hành quy chế quản lý tài sản công; quản lý, sử dụng đúng mục đích; đảm bảo cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong điều kiện tốt nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Tài sản công là cơ sở nhà, đất được theo dõi, hạch toán theo chế độ kế toán quy định hiện hành; thực hiện kiểm kê, kê khai và báo cáo về đơn vị chủ quản tổng hợp để cập nhật phần mềm quản lý tài sản công báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.
Định kỳ và hằng năm đều có các cuộc kiểm tra liên ngành về thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản công; việc quản lý tài sản là đất; việc sử dụng tài sản công; việc tuân thủ quy định của pháp luật về kê khai, báo cáo để đăng nhập thông tin về tài sản công vào phần mềm quản lý, sử dụng tài sản công; việc hạch toán, kế toán tài sản công; việc thanh lý tài sản công; việc chấp hành các quy định về pháp luật và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán về kiểm kê tài sản và quản lý, sử dụng tài sản công.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, sử dụng tài sản công là cơ sở nhà, đất còn nhiều bất cập. Một số cơ sở nhà là đơn vị trực thuộc của các các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không gắn liền với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến công tác quản lý tài sản; một số cơ sở nhà, đất do cơ quan, đơn vị (cũ) đã đổi tên, giải thể, sáp nhập, thành lập mới, chuyển giao quản lý, sử dụng, nhưng chưa hoàn thành điều chuyển, cấp đổi, chuyển mục đích, sang tên quyền sử dụng đất (Sở Khoa học và Công nghệ 1/6 cơ sở; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội 3/8 cơ sở; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 8/19 cơ sở; Sở Y tế 52/174 cơ sở...); một số cơ sở nhà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác lập quyền sử dụng tài sản (thành phố Đông Hà 84/188 cơ sở, thị xã Quảng Trị 28/72 cơ sở, các huyện: Đakrông 66/204 cơ sở, Hướng Hóa 115/408 cơ sở, Hải Lăng 6/213 cơ sở, Triệu Phong 20/151 cơ sở, Gio Linh 70/197 cơ sở, Vĩnh Linh 90/350 cơ sở, Cam Lộ 13/136 cơ sở); việc quản lý trường học, nhà văn hóa (thôn, bản, khu phố), trạm y tế, điểm chợ, bưu điện... ở cấp xã còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai; một số đơn vị sự nghiệp sử dụng không hết công năng cơ sở nhà, đất, gây lãng phí nguồn lực.
Một số đơn vị sự nghiệp khác thực hiện việc cho thuê, liên doanh, liên kết các tài sản công là cơ sở nhà, đất chưa phù hợp quy định, chưa lập đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ. Tài sản là cơ sở nhà, đất tuy được rà soát nhưng chưa được xử lý dứt điểm, gây lãng phí. Thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, trong giai đoạn 2019 - 2021 đã sắp xếp 37 cơ sở. Tuy nhiên một số xã vẫn đề nghị giữ lại tài sản để làm việc. Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với cơ sở nhà, đất thực hiện chưa đồng bộ với kết quả sắp xếp lại và xử lý cơ sở nhà đất.
Tồn tại, hạn chế và bất cập trong quản lý và sử dụng tài sản là cơ sở nhà, đất có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh được hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử, quá trình quản lý, sử dụng mang tính đặc thù, khác nhau giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương dẫn đến thực trạng quản lý, sử dụng nhà đất tại một số cơ quan, đơn vị còn phức tạp và chậm xử lý.
Để công tác quản lý, sử dụng tài sản công là cơ sở nhà, đất minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm và phòng ngừa lãng phí cần xử lý dứt điểm 70 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các huyện, thị xã, thành phố theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương; hoàn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với cơ sở hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công giao quyền quản lý, quyền sử dụng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan; sử dụng tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được s dng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định của pháp luật, chống lãng phí.
Đối với tài sản phục vụ cung cấp dịch vụ công thuộc các đơn vị sự nghiệp quản lý, trường hợp không sử dụng hết công năng thì lập phương án hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (đúng mục đích hoạt động hỗ trợ cung cấp dịch vụ của đơn vị) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật.
Phương Thảo