Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng làm việc với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và lưu ý cán bộ kiểm tra phải giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh và có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Ảnh: Nguyệt Thu
Bộ Chính trị đã đánh giá những kết quả đạt được, cụ thể: Công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên được Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được kết quả quan trọng. Các chuẩn mực đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư từng bước được cụ thể hóa thành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn hóa công sở để thực hiện.
Nội dung thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được lồng ghép vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở các trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ Trung ương đến địa phương; được tích hợp vào một số môn học ở các cơ sở giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.
Các cơ quan báo chí, truyền thông, văn hóa, văn học nghệ thuật đã có nhiều hoạt động, tuyên truyền, sáng tác, biểu diễn, công bố, giới thiệu các tác phẩm có nội dung về giáo dục đạo đức cách mạng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Nhờ đó, đạo đức cách mạng nói chung, các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nói riêng của cán bộ, đảng viên được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã chỉ rõ một số hạn chế, khuyết điểm như: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của không ít cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ và đúng mức; công tác giáo dục đạo đức cách mạng, nhất là giáo dục liêm chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa trở thành nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng; nội dung, phương pháp, hình thức và đối tượng giáo dục còn nhiều bất cập; chưa hình thành ý thức tự giác học tập, rèn luyện, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong cán bộ, đảng viên; các giá trị liêm chính, tiết kiệm chưa được xã hội đề cao.
Tham nhũng, tiêu cực tuy đã được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng; tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và Nhân dân; một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm nên đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức phải xử lý.
Để tăng cường giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nội dung Chỉ thị nêu rõ cần tập trung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trước hết, cần tuyên truyền sâu rộng làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất đạo đức quan trọng hàng đầu của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tính cấp thiết của việc giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong nội bộ Ðảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư…
Đối với cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải nêu gương về học tập và thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới, nhất là về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư…
Chú trọng đổi mới, hoàn thiện nội dung, hình thức, phương pháp để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phù hợp từng đối tượng; bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng cho lực lượng báo cáo viên, giảng viên, giáo viên giảng dạy…
Đồng thời, Bộ Chính trị cũng yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn xã hội về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị… về giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tăng cường giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho thế hệ trẻ. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, giữa Trung ương với địa phương, giữa cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong công tác giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Theo đó, cần bố trí nguồn lực hợp lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục cũng như thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư…
Các cơ quan, đơn vị liên quan được phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này.
LÊ VÂN