Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 39.
Trong thời gian qua, công tác người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng và xã hội quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền, phát huy vai trò của người khuyết tật được triển khai kịp thời, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
Báo cáo của Hội Người mù Việt Nam cho thấy, trong 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật (Chỉ thị số 39-CT/TW) đã đi vào cuộc sống và có tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội trong việc giúp đỡ đối với các tổ chức của người khuyết tật nói chung và Hội Người mù nói riêng. Các cấp, các ngành, cơ quan nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm lo cuộc sống của người khuyết tật; tạo thêm động lực, đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để người khuyết tật xua đi mặc cảm, phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập cộng đồng và đóng góp cho xã hội.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu, việc triển khai Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận dễ dàng hơn với các chính sách về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, tín dụng, bảo trợ xã hội, cũng như tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và đi lại.
Các chính sách hỗ trợ không chỉ giúp người khuyết tật cải thiện đời sống, mà còn tạo động lực để họ nỗ lực tự vươn lên, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức đã góp phần thúc đẩy việc xây dựng một môi trường sống công bằng, hòa nhập, tạo điều kiện để người khuyết tật đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Những nỗ lực này không chỉ đem lại lợi ích trực tiếp cho người khuyết tật mà còn lan tỏa tinh thần nhân ái, trách nhiệm trong cộng đồng, thúc đẩy ý thức xã hội về quyền lợi và vai trò của người khuyết tật trong xã hội hiện đại.
Trong đó, công tác lao động, việc làm và chăm lo đời sống là nhiệm vụ trụ cột, nhằm trực tiếp cải thiện đời sống vật chất cho người mù. Theo thống kê, trong 5 năm triển khai, Nhà nước đã giao cho Hội hơn 52,7 tỷ đồng cho 1.455 dự án tại 54 tỉnh, thành. Ngoài ra, 22 đơn vị còn được bổ sung thêm 20 tỷ đồng từ địa phương, giúp triển khai 490 dự án. Các dự án vay vốn tạo việc làm và thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 11,46% tỷ lệ người mù nghèo.
Các cấp Hội quản lý 351 cơ sở sản xuất tập trung và 996 tổ xoa bóp tự quản, thu hút tổng cộng 7.607 lao động, với thu nhập trung bình từ 2,2-3,3 triệu đồng/tháng. Trong 5 năm qua, doanh thu các cơ sở đạt 822,931 tỷ đồng.
Một số tỉnh, thành có doanh thu cao như: Hà Nội, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định và Hải Phòng...
Các trung tâm dạy nghề đã nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới đào tạo, mạng lưới cơ sở dạy nghề được mở rộng ở nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu theo vùng, miền.
Trong 5 năm, Hội tổ chức 462 lớp nghề với 6.564 học viên, kinh phí 24,382 tỷ đồng cho các nghề như xoa bóp, tin học, chăn nuôi, thủ công. Các cấp Hội đã phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc từ nguồn hỗ trợ cộng đồng xây dựng 609 căn nhà (36,563 tỷ đồng) và sửa chữa 601 căn nhà (12 tỷ đồng) giúp người mù ổn định chỗ ở, phát triển cuộc sống...
Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu biểu ý kiến tại hội nghị.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Viết Thu, việc triển khai Chỉ thị số 39 vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW hoặc ban hành các văn bản mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức của người khuyết tật và đặc biệt là Hội Người mù hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.
Hội Người mù Việt Nam cũng đề nghị các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục có các đề án cụ thể cho từng giai đoạn với các mục tiêu rõ ràng, phù hợp cho từng lĩnh vực và nhóm đối tượng khuyết tật riêng biệt nhằm bảo đảm hiệu quả lâu dài về chính sách đối với người khuyết tật.
Hội đề nghị cần tạo điều kiện để các tổ chức của người khuyết tật có vai trò tham vấn và giám sát trong quá trình hoạch định, thực hiện và đánh giá hiệu quả các chính sách dành cho người khuyết tật, trong đó có người mù. Các nhà trường cũng cần thường xuyên tuyên truyền để các thế hệ công dân tương lai hiểu biết cơ bản về người khuyết tật, góp phần bảo đảm lợi ích lâu dài của các chính sách xã hội liên quan.
NHẬT ANH