Bị cáo bị xét xử trong vụ án đưa, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Sầm Sơn.
Bản án được Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh đưa ra là “tiếng chuông cảnh tỉnh” cho cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, cần phải mang tinh thần phục vụ Nhân dân, không được lợi dụng chức vụ quyền hạn để sách nhiễu, gây khó, trục lợi, phát sinh tiêu cực trong thực hiện chức trách được giao. Thực tiễn chỉ ra nếu không siết chặt kỷ luật, không nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, không khơi dậy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, thì bộ máy công quyền sẽ “dễ trượt dài” trong trì trệ, né tránh và thậm chí là sa vào tiêu cực. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Thanh Hóa là một trong số những địa phương dám nhìn thẳng, nói thật và hành động mạnh mẽ để gỡ bỏ những “nút thắt” trong công vụ, từng bước xây dựng chính quyền phục vụ Nhân dân.
Năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, cơ quan công an đã và đang thụ lý điều tra 42 vụ/123 bị can về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 29 vụ/106 bị can. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh thụ lý giải quyết 26 vụ/55 bị can; đã truy tố 26 vụ/54 bị can. Tòa án Nhân dân hai cấp thụ lý giải quyết 34 vụ/72 bị cáo; đã xét xử 24 vụ/46 bị cáo. Các cơ quan chức năng đã thu hồi được 22,462 tỷ đồng/87,131 tỷ đồng và 16.351m2 đất liên quan đến tham nhũng. Theo báo cáo của Ban Nội chính Tỉnh ủy, trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 14.617 lượt người/13.483 vụ việc; tiếp nhận, phân loại, xử lý 16.002 đơn, trong đó, có 9.754 đơn/8.827 vụ việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước giải quyết. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo các cơ quan đã thu hồi cho Nhà nước 139,4 triệu đồng; trả lại cho các cá nhân 755 triệu đồng và 1.565,4m2 đất; 18 cá nhân bị xử lý hành chính (trong đó có 11 cán bộ, công chức, viên chức). Qua các cuộc tiếp công dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp tạo sự ổn định tình hình chính trị. Thông qua các vụ việc chậm giải quyết cho thấy thái độ thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, thậm chí “câu giờ” để gây khó dễ của một bộ phận cán bộ trong giải quyết các thủ tục liên quan đến hành chính đã và đang làm cản trở sự phát triển gây mất niềm tin với dân nếu những cán bộ ấy vẫn tiếp tục “nằm im hưởng lợi” trong bộ máy.
Trước tình trạng trên, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC), Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTNLPTC tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan đơn vị phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Trên cơ sở chương trình kiểm tra, giám sát năm 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập đoàn kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTNLPTC với phương châm “3 rõ”: rõ người chịu trách nhiệm, rõ nội dung công việc, rõ thời hạn hoàn thành. Việc đánh giá cán bộ với những kết quả việc làm cụ thể, rõ ràng, gắn với hiệu quả thực tế và phản hồi từ người dân, doanh nghiệp. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh, tác phong lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ. Tránh tình trạng “làm cho có”, “ký cho xong”, từng cá nhân giờ đây buộc phải chịu trách nhiệm trước tập thể, trước Đảng và trước Nhân dân.
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác nhận diện, phát hiện, xử lý những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực (tham nhũng vặt) trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh” do Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức (tháng 10/2024).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 2664-KL/TU, ngày 23/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các cấp, các ngành chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, như: Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị. Từ đầu năm đến nay, các ủy ban kiểm tra các cấp tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện kiểm tra 15 đơn vị cấp huyện, 29 đơn vị cấp xã và 1 đơn vị sự nghiệp thuộc sở, qua đó phát hiện 26 cán bộ, công chức, viên chức thuộc 7 đơn vị có sai phạm trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và bị xử lý kỷ luật...
Từ công tác kiểm tra cùng với kỷ luật Đảng, đã góp phần vào việc chấn chỉnh tác phong lề lối làm việc của cán bộ, công chức, khắc phục dần các biểu hiện tiêu cực, trì trệ của cán bộ. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã và đang chỉ đạo quyết liệt trong việc chuyển đổi số, xây dựng hệ thống quản trị số, ứng dung các phần mềm xử lý, giải quyết công việc trên nền tảng số để phục vụ người dân được nhanh chóng, kịp thời tránh tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, tăng cường công tác quản lý công việc của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị. Với sự quyết tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, siết chặt kỷ cương, phòng ngừa tiêu cực và nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao đời sống Nhân dân.
Bài và ảnh Minh Hiếu