ĐTO - Triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số (CĐS), kỹ năng số cho người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình CĐS.
Ra mắt Đội hình “Bình dân học vụ số” xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò (Ảnh: Trung Thành)
NÂNG CAO NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị khóa XIII về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về CĐS và công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân trong tiến trình CĐS quốc gia. Xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản về thể chế nhằm hỗ trợ và đẩy nhanh tiến trình CĐS, công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân với phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau” và “Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của CĐS”. Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong cập nhật, nâng cao nhận thức về CĐS, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) và người lao động trong các doanh nghiệp, người dân trong học tập, nghiên cứu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ thiết yếu khác.
Thi đua tự học về CĐS, rèn luyện phát triển kỹ năng số đáp ứng yêu cầu CĐS của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; khai thác có hiệu quả các dịch vụ, nền tảng số, các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo trong công việc và cuộc sống; xây dựng đơn vị số, cộng đồng số, gia đình và công dân số. Gắn kết phong trào với triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhất là phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.
Phấn đấu trong năm 2025, 100% CB,CC,VC và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về CĐS, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng các nền tảng dịch vụ số phục vụ công việc (ứng dụng e-Đồng Tháp, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, Cổng thông tin điện tử, Cổng dữ liệu mở, một trong các nền tảng AI: Gemini, ChatGPT, Copilot...). 100% học sinh THPT, học sinh cơ sở giáo dục nghề nghiệp và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số. 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về CĐS, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số. Một triệu người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về CĐS, kỹ năng số trên nền tảng VNeID. 80% người lao động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội quán, tổ hợp tác, trang trại có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động. 100% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý hoàn thành sát hạch đạt chuẩn theo khung kỹ năng số dành cho đối tượng lãnh đạo quản lý. 90% CB,CC,VC và người lao động trong khu vực công; 90% đoàn viên, 80% thanh niên, 90% học sinh phổ thông, sinh viên; 50% người dân trong độ tuổi trưởng thành hoàn thành sát hạch đạt chuẩn theo khung kỹ năng số dành cho từng nhóm đối tượng. Đào tạo, tư vấn ít nhất từ 60% nông dân hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán biết ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất (truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng), khai thác thông tin cung - cầu, thông tin về sản xuất nông nghiệp, môi trường thông qua mạng Internet. Tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho giáo viên của 40% cơ sở giáo dục phổ thông kỹ năng triển khai áp dụng mô hình giáo dục STEM/STEAM với 30% học sinh tham gia, ưu tiên các địa bàn xây dựng nông thôn mới. Đào tạo, hướng dẫn cho 90% dân số trên địa bàn cài đặt và biết cách sử dụng sổ sức khỏe điện tử trên VneID.
Đến năm 2026, 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về CĐS, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác an toàn trên môi trường số. Có từ 1,02 triệu người trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về CĐS, kỹ năng số trên nền tảng VNeID. 100% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán, trang trại có kiến thức về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động. 100% học sinh cấp Tiểu học, học sinh THCS được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số. 100% đoàn viên, 90% thanh niên, 100% học sinh, sinh viên; 70% người dân trong độ tuổi trưởng thành hoàn thành sát hạch đạt chuẩn theo khung kỹ năng số dành cho từng nhóm đối tượng. Đào tạo, tư vấn cho trên 80% nông dân hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán biết ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất (truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng), biết sử dụng nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp để khai thác thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp (cung - cầu nông sản; dự báo tình hình sâu rầy; dự báo thiên tai, xâm nhập mặn, lũ), khai thác dữ liệu về môi trường. Đào tạo, hướng dẫn 100% dân số trưởng thành cài đặt và biết cách sử dụng sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
Các hộ tiểu thương chợ Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) nhận mã QR thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt (Ảnh: Thành Sơn)
TRIỂN KHAI ĐẾN KHÓM, ẤP VÀ LAN TỎA TINH THẦN TỰ HỌC
Phong trào “Bình dân học vụ số” phải được triển khai toàn diện, sâu rộng đến tận khóm, ấp, tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số, tích cực tham gia tiến trình CĐS; trong đó, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số”, góp phần lan tỏa tinh thần tự học, tự nâng cao tri thức, kỹ năng số, chuyển quá trình học tập, rèn luyện, nâng cao và ứng dụng tri thức số trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân.
Phổ cập tri thức về CĐS, kỹ năng số cho CB,CC,VC, học sinh, sinh viên, người dân và người lao động... nắm vững xu hướng CĐS, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Đồng thời xây dựng và triển khai có hiệu quả các mô hình, phong trào kỹ năng số tại cộng đồng. Triển khai “Ngày hội toàn dân học tập số” vào ngày 10/10 hàng năm (Ngày CĐS Quốc gia và Ngày CĐS tỉnh Đồng Tháp)...
Phát huy cao độ vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, đơn vị công nghệ nhằm kiến tạo hệ sinh thái học tập số đa dạng, phong phú. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và các nền tảng học tập trực tuyến, bảo đảm phương thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng, nhất là nhóm yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Triển khai nhanh, rộng khắp, bao trùm, có tính hệ thống, gắn kết, hoàn thành sớm. Tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống, giúp người dân kết nối, tương tác và phát triển kỹ năng số để sử dụng các nền tảng, dịch vụ số, hình thành thói quen và văn hóa trong môi trường số; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
Song song đó, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá, bảo đảm hiệu quả thực chất. Kết quả của Phong trào “Bình dân học vụ số” phải được đo lường bằng sự thay đổi căn bản về năng lực số của người dân, thúc đẩy kinh tế số, xây dựng chính phủ số, xã hội số. Đồng thời bảo đảm an ninh dữ liệu, an toàn thông tin trong suốt quá trình triển khai thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Phong trào “Bình dân học vụ số” tại địa phương. Khuyến khích địa phương triển khai các mô hình, cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả cao; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trong việc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất để thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số”; lồng ghép thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số” vào các chương trình, kế hoạch CĐS của địa phương đang thực hiện. Sau khi triển khai sáp nhập các đơn vị hành chính theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, các nhiệm vụ tiếp tục được chuyển giao cho tổ chức đảng ở cấp xã tiếp tục thực hiện; trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, cá nhân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Phú Nghĩa