Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
7 giờ trướcBài gốc
Trước yêu cầu của thực tiễn, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố, chủ động quán triệt, tuyên truyền tới cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tiếp tục phối hợp rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trong đó, tập trung xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Có hình thức kỷ luật đối với vi phạm; chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, như: Đấu thầu, đấu giá; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng tài sản công, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá chi tiêu công, làm căn cứ để giảm hao phí trong sử dụng nguồn vốn, tài sản, tài nguyên, lao động, thời gian lao động, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Quản lý chặt nguồn thu ngân sách trên địa bàn, nhất là thu nội địa theo hướng tích cực, khai thác và tạo nguồn thu mới. Điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước chủ động, tiết kiệm, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai thực hiện, dành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định từ khâu phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách. Đẩy mạnh khoán chi hành chính, quản lý chặt chẽ, triệt để tiết kiệm các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp khách, lễ hội, lễ kỷ niệm...
Chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tập trung nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư tập trung, tránh dàn trải, phân tán; xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, không để phát sinh nợ mới.
Kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, cấp bách; kiểm soát số lượng các dự án khởi công mới, bảo đảm từng dự án khởi công mới phải có giải trình cụ thể về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và tuân thủ các quy định của pháp luật. Chỉ giao kế hoạch vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định. Tăng cường các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các khâu của quá trình thực hiện dự án đầu tư. Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư lãng phí, kém hiệu quả và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; hoàn thành việc sắp xếp, xử lý nhà đất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo quy định do thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, sáp nhập bản, tiểu khu, tổ dân phố và do thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính. Kiên quyết thu hồi diện tích nhà, đất sử dụng không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ngọc Thuấn
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/van-de-hom-nay/tang-cuong-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-rqaRk6VHg.html