Cô và trò Trường mầm non A Ngo (A Lưới)
Rèn tiếng Việt cho trẻ
Hôm ấy, cô giáo Phan Thị Thủy, giáo viên Trường mầm non A Ngo (huyện A Lưới) dạy cho trẻ 3-4 tuổi bài thơ “Bạn mới”. Đây là một hoạt động dạy cho trẻ phát triển ngôn ngữ. Bài thơ bằng tiếng Việt trong khi học sinh trong lớp đều là người Pa Cô, Tà Ôi. Vậy nên, khi đọc đến câu “Hãy còn nhút nhát”, thấy các em không hiểu, cô Thủy dừng lại, giải thích cặn kẽ nghĩa của từ “nhút nhát” bằng tiếng Pa Cô là “Kâr chiêt”.
Quê ở Quảng Bình, cô giáo Phan Thị Thủy công tác tại huyện A Lưới 25 năm nay. Để có thể dạy cho trẻ người dân tộc thiểu số, cô Thủy đã học một khóa tiếng Pa Cô, Tà Ôi. Ngoài ra, cô còn học ngôn ngữ bản địa qua quá trình tiếp xúc với học sinh, phụ huynh hàng ngày nên có thể giao tiếp được với trẻ. Cô Thủy chia sẻ: “Dạy bằng tiếng Việt, nhưng khi trẻ không hiểu, tôi vẫn có thể giải thích cho các cháu hiểu bằng tiếng mẹ đẻ. Ở trường, tôi được xếp đứng lớp cùng với cô giáo Hồ Thị Lan, một giáo viên người Tà Ôi để cùng hỗ trợ lẫn nhau”.
Trường mầm non A Ngo có 85% trẻ là người dân tộc thiểu số. Sau mấy năm triển khai công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, nhà trường đã xây dựng cho trẻ môi trường song ngữ giữa tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ. Việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số đã bước sang giai đoạn 2 nên đỡ khó khăn hơn cho giáo viên. Nếu giai đoạn 1 còn phải dạy song ngữ thì sang giai đoạn 2, hầu hết trẻ sử dụng tiếng Việt khá tốt, việc tăng cường tiếng Việt giúp trẻ hiểu nghĩa của từ và hiểu đúng tiếng Việt.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Hiệu trưởng Trường mầm non A Ngo, chương trình tăng cường tiếng Việt được nhà trường tích hợp, lồng ghép vào chương trình giáo dục. Nhà trường cũng tổ chức các hội thảo, giao lưu để tạo sự kết nối giữa nhà trường và phụ huynh trong việc nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt cho trẻ, đồng thời, bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ. Điều thuận lợi là giáo viên của trường có 50% là người Kinh, 50% là người dân tộc thiểu số nên mỗi lớp, nhà trường phân công 1 cô giáo người Kinh và 1 cô giáo người dân tộc thiểu số cùng đứng lớp để các cô hỗ trợ chuyên môn lẫn nhau.
Xây dựng môi trường tiếng Việt
Sau 2 năm thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ giai đoạn 2022 - 2025”, 100% trường mầm non thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều xây dựng mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Các trường đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm bên ngoài nhà trường, như thăm đồn biên phòng, làng nghề ở địa phương, di tích lịch sử… nhằm giúp trẻ mạnh dạn, tự tin giao tiếp, xây dựng môi trường tiếng Việt. Tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số ra lớp cao, đa số các cháu mạnh dạn, tự tin, có vốn tiếng Việt tốt và phát âm chuẩn nên dễ dàng tiếp cận, làm quen các môn khoa học, chuẩn bị tâm thế vào lớp một.
Năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã tổ chức các ngày hội giao lưu tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số tại A Lưới. Trong không khí vui tươi của ngày hội, trẻ hào hứng, tích cực tham gia vào các trò chơi tìm hiểu kiến thức tiếng Việt, giao lưu văn nghệ và tham gia các trò chơi dân gian. Không chỉ mang đến ngày hội những phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt đậm chất truyền thống của đồng bào dân tộc mình, các em còn phát triển các kỹ năng nghe, nói và làm quen với việc đọc, viết tiếng Việt, nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, sinh hoạt, vui chơi.
Ông Đoàn Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non gắn với các nhiệm vụ “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non trên cơ sở tiếng mẹ đẻ” cho 100% cán bộ, giáo viên mầm non cốt cán đang công tác tại vùng khó có trẻ em người dân tộc thiểu số. Các Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo bố trí 1 giáo viên người Kinh và 1 giáo viên người dân tộc thiểu số cùng đứng lớp để cùng hỗ trợ nhau trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ. Đa số giáo viên người Kinh dạy trẻ ở vùng dân tộc thiểu số đều cơ bản nói được tiếng mẹ đẻ của trẻ, nên thuận lợi trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ. Giáo viên giao tiếp với trẻ hàng ngày cũng đã sử dụng song ngữ, nhờ vậy giúp trẻ học tiếng Việt hiệu quả hơn. Các trường cũng tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh để thực hiện tốt việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ tại gia đình.
Ngành giáo dục cũng đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho trẻ em người dân tộc thiểu số và giáo viên dạy trẻ ở vùng khó. Vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí học tập 300.000 đồng/trẻ em/20 buổi; hỗ trợ tài liệu, dụng cụ học tập: 90.000 đồng/trẻ em. Với giáo viên, hỗ trợ tài liệu dạy học 500.000 đồng/1 bộ tài liệu giáo viên/lớp; bồi dưỡng giáo viên tham gia dạy học với thời lượng 80 tiết. Trường học cũng được hỗ trợ trang bị đồ dùng học tập: 5 triệu đồng/trường/năm.
Bài, ảnh: MINH HIỀN