Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số
8 giờ trướcBài gốc
Nhiều giải pháp
Để thực hiện hiệu quả Đề án, công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Ðề án được ngành giáo dục tỉnh chú trọng triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt (TCTV) cho trẻ em vùng DTTS. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục mầm non quan tâm tạo môi trường TCTV cho trẻ DTTS theo bộ tiêu chí xây dựng môi trường TCTV cho trẻ em DTTS dựa trên tiếng mẹ đẻ và văn hóa địa phương. Tạo môi trường TCTV trong và ngoài lớp học như sắp xếp phù hợp với nội dung giáo dục của từng độ tuổi, từng chủ đề phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, nội dung giáo dục nói chung và nội dung dạy TCTV nói riêng cho trẻ.
Trẻ mầm non DTTS được tăng cường tiếng Việt.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đã áp dụng phương pháp tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế để khai thác tối đa nguồn tài liệu văn hóa địa phương bằng tiếng mẹ đẻ của trẻ. Ví như sử dụng các đồ dùng, nguyên vật liệu địa phương để trẻ sử dụng tiếng mẹ đẻ và kết hợp học tiếng Việt; khai thác tối đa các tranh ảnh, câu chuyện, bài hát, thơ ca, hát ru… bằng tiếng dân tộc của trẻ để học tiếng Việt và phát triển thành nguồn học liệu học bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt; khai thác và sử dụng các trò chơi dân gian, các hoạt động trong lễ hội đặc thù của địa phương, đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ kết hợp với tiếng Việt. Song song đó, các cơ sở giáo dục mầm non đã thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Riêng năm học 2023 - 2024 đã vận động kinh phí hơn 3 tỷ đồng để sửa chữa các công trình vệ sinh, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, làm hàng rào, sân chơi, xây dựng khu phát triển vận động… tạo môi trường thân thiện, xanh sạch đẹp giúp trẻ hoạt động tích cực. Cùng với đó, các chế độ chính sách phát triển giáo dục mầm non vùng DTTS như hỗ trợ ăn trưa, hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí cho trẻ được các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ.
Kết quả, có 5.132/9.753 trẻ DTTS đến trường, đạt 52,62%, trong đó nhà trẻ có 326/3.458 trẻ DTTS, đạt 9,43% và mẫu giáo có 4.806/6.295 trẻ DTTS, đạt 76,35%. Đặc biệt, 100% trẻ DTTS ra lớp đều được tăng cường tiếng Việt, có khả năng nắm bắt ngôn ngữ tiếng Việt, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin, có kiến thức cơ bản để bước vào lớp 1.
Tổ chức hoạt động trải nghiệm.
Xây dựng môi trường ngoài lớp học nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh những kết quả đạt được việc triển khai thực hiện Đề án còn gặp một số khó khăn, đó là kinh phí thực hiện Đề án còn rất hạn chế; cơ sở vật chất, phòng học để thu nhận trẻ dưới 5 tuổi, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi còn thiếu. Mặt khác, số lượng trẻ em DTTS độ tuổi dưới 5 tuổi và trẻ nhà trẻ ra lớp còn thấp. Đa số trẻ là con em thuần DTTS, môi trường giao tiếp tiếng Việt chủ yếu ở trường, khi về với gia đình các em lại sống trong gia đình thuần tiếng dân tộc nên môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt hạn chế và không đồng nhất dẫn đến việc hình thành và phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt của các em gặp nhiều khó khăn. Hầu hết giáo viên là người Kinh không biết hoặc biết rất ít ngôn ngữ của vùng DTTS tại địa phương nên khó khăn trong việc giao tiếp, trao đổi, trò chuyện và hiểu trẻ...
Để thực hiện hiệu quả Đề án trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, phòng học để thu nhận trẻ ở độ tuổi dưới 5 tuổi, đảm bảo học 2 buổi/ngày và bán trú; kinh phí TCTV trong hè cho trẻ trước khi vào lớp 1, hỗ trợ trang thiết bị dạy học cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Mỗi nhà giáo và cán bộ giáo dục giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” trong ngành giáo dục. Cùng với đó, bố trí giáo viên là người DTTS tại địa phương hay giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ vùng DTTS, có tâm huyết, nhiệt tình, có kỹ năng làm đồ dùng đồ chơi để giúp trẻ có nhiều phương tiện để tăng cường tiếng Việt. Song song đó, đẩy mạnh nâng cao công tác tuyên truyền cho các bậc phụ huynh nhằm phối hợp cùng với nhà trường xây dựng và duy trì môi trường tiếng Việt cho trẻ. Tiếp tục triển khai thí điểm mô hình và phát động phong trào sưu tầm, tự làm đồ dùng, đồ chơi bằng nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Thường xuyên tổ chức hội thảo, chuyên đề nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên thực hiện tốt công tác này...
Toàn tỉnh có 32/181 trường mầm non, mẫu giáo có trẻ DTTS, có 5.132/9.753 trẻ DTTS ra lớp. Số phòng học cơ bản đảm bảo 1 phòng/nhóm, lớp. Tất cả các trường đã chú trọng việc xây dựng môi trường bên trong và bên ngoài lớp học phù hợp đáp ứng việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo.
THANH THỦY
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/tang-cuong-tieng-viet-cho-tre-mam-non-nguoi-dan-toc-thieu-so-126686.html