Tăng cường tính minh bạch trong dán nhãn năng lượng

Tăng cường tính minh bạch trong dán nhãn năng lượng
một ngày trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Lãm rõ cơ chế vận hành của Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Các ĐBQH cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là rất cần thiết, có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm chi phí xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Khoản 6 Điều 41 dự thảo Luật quy định Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hoạt động không vì lợi nhuận, huy động vốn linh hoạt và độc lập tài chính. Tuy nhiên, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) nhận thấy, quy định như vậy chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế quản lý, phân bổ vốn và trách nhiệm của các bên liên quan.
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định chi tiết về cơ cấu tổ chức và tiêu chí phân bổ vốn, cơ chế giám sát hoạt động của Quỹ; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ để tránh lãng phí hoặc lạm dụng nguồn lực.
Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giao Chính phủ xây dựng các cơ chế khuyến khích, giải pháp thúc đẩy ứng dụng các quá trình chuyển đổi phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến công nghiệp...
Song, ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) chỉ rõ, dự thảo Nghị định đính kèm chưa cụ thể hóa mà lại tiếp tục giao các Bộ hướng dẫn, do đó, cần rà soát thêm quy định tại khoản 6 Điều 41 dự thảo Luật.
ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Bên cạnh đó, dự thảo Luật giao UBND các cấp có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng chưa rõ mức chế tài và khung xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong sử dụng năng lượng. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị, cần bổ sung quy định về mức phạt hành chính hoặc các hình thức xử lý cụ thể như thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm không tuân thủ quy định về tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ tăng tính răn đe và hiệu quả thực thi.
Ban hành lộ trình dán nhãn bắt buộc cho một số vật liệu xây dựng
Quan tâm đến việc bổ sung quy định dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng tại khoản 2 Điều 37 của dự thảo Luật, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, xây dựng là một trong những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhất hiện nay. Ở Việt Nam, hơn 60% điện năng trong các công trình được dùng cho điều hòa và chiếu sáng chủ yếu do sử dụng vật liệu xây dựng kém hiệu quả.
Tuy nhiên, khi triển khai áp dụng dán nhãn năng lượng vật liệu xây dựng sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định như: thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia cho nhiều loại vật liệu; số lượng phòng thử nghiệm đạt chuẩn còn ít; chi phí thử nghiệm cao và cơ chế hậu kiểm còn yếu.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Từ đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị, Chính phủ cần ban hành lộ trình dán nhãn bắt buộc cho một số vật liệu xây dựng có ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ điện như: kính xây dựng, vật liệu cách nhiệt.
Cùng với đó, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam về hiệu suất năng lượng đối với vật liệu xây dựng đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế; xã hội hóa hoạt động thử nghiệm và cấp chứng nhận. Quy định ứng dụng QR code, nền tảng số trong sản xuất kinh doanh loại vật liệu này để truy xuất nhãn hiệu năng lượng minh bạch, giúp người tiêu dùng hiểu được sản phẩm mình đang dùng. Đồng thời, có cơ chế hậu kiểm chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Nếu thực hiện được những điều trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, việc dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng sẽ thực sự trở thành công cụ thúc đẩy ngành xây dựng phát triển bền vững, tiết kiệm và văn minh.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng cho rằng, cần tăng cường tính minh bạch trong dán nhãn năng lượng. Theo đại biểu, quy định về dán nhãn năng lượng và công khai thông tin là cần thiết nhưng còn thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ, đặc biệt trong thương mại điện tử.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
“Bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc kiểm tra định kỳ và xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp không tuân thủ dán nhãn năng lượng, nhất là trên các nền tảng thương mại điện tử. Cần có quy định cụ thể về việc công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để bảo vệ người tiêu dùng”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu rõ, qua thảo luận, các ĐBQH cơ bản nhất trí về nhiều nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như đã nêu trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các ĐBQH cũng đóng góp thêm ý kiến về một số nội dung như: các chế tài liên quan đến tính minh bạch của việc dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị, vật liệu xây dựng; bổ sung quy định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả; sự phù hợp với các cam kết quốc tế; ưu đãi hỗ trợ về thuế đối với các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO); giải pháp thúc đẩy chuyển đổi qua năng lượng xanh; Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng bộ tiêu chí giám sát và tăng cường các giải pháp xã hội hóa... Các ĐBQH cũng góp ý về một số vấn đề cụ thể khác cũng như về kỹ thuật lập pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo cùng các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến của ĐBQH, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này.
Minh Trang
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/tang-cuong-tinh-minh-bach-trong-dan-nhan-nang-luong-10374086.html