Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy và học

Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy và học
4 giờ trướcBài gốc
Tại văn bản 3034/SGDĐT-CTTT-KHCN gửi các phòng GD&ĐT và cơ sở giáo dục trực thuộc về thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT lưu ý các đơn vị tiếp tục thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu GD&ĐT nhằm nâng cao tiện ích và hiệu quả cho công tác quản lý giáo dục; triển khai học bạ số; xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ hướng đến văn bằng số, chứng chỉ số.
Các nhà trường tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục .
Các đơn vị tăng cường điều kiện bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, quản trị, dạy, học và nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, kiểm tra, đánh giá trong giáo dục; tiếp tục xây dựng hạ tầng số quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành.
Cùng với đó, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục đi cùng với phát triển các giải pháp bảo đảm an toàn môi trường học tập số; nâng cao năng lực số cho người học và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục triển khai hệ thống thư viện số toàn ngành; khai thác hiệu quả kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành và ngân hàng câu hỏi trực tuyến.
Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra đánh giá, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến. Cụ thể, các đơn vị duy trì, khai thác sử dụng tối đa lợi ích của phần mềm quản lý học tập (LMS) trong hoạt động dạy học trực tuyến để trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.
Các nhà trường tăng cường xây dựng học liệu số, đóng góp học liệu và khai thác sử dụng hiệu quả kho học liệu dùng chung của ngành trong tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá.
Thêm nữa, tăng cường thực hiện đánh giá thường xuyên và định kỳ trên hệ thống Hà Nội Study và ứng dụng truyền thông của ngành; đôn đốc triển khai phần mềm truyền thông giáo dục nhằm tăng cường sự tương tác giữa gia đình và nhà trường, hỗ trợ giáo viên giao nhiệm vụ về nhà cho học sinh, kiểm tra đánh giá và phối hợp với gia đình trong triển khai các hoạt động giáo dục.
Phòng GD&ĐT, các nhà trường thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên; ưu tiên bồi dưỡng các nội dung gắn với thực tế công việc; rà soát, đầu tư mới, mua sắm bổ sung máy tính đáp ứng yêu cầu dạy môn tin học; mua sắm thiết bị phục vụ xây dựng học liệu số và dạy học trực tuyến; tiếp tục triển khai hiệu quả hệ thống thư viện điện tử; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn môi trường giáo dục số trong nhà trường.
Năm học 2024 – 2025, các nhà trường tiếp tục triển khai cung cấp chữ ký số cá nhân cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên; bố trí nguồn lực để triển khai học bạ số trong nhà trường; phấn đấu 100% cơ sở giáo dục áp dụng giải pháp thanh toán học phí và các khoản thu bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Sở GD&ĐT cũng khuyến khích các đơn vị triển khai giải pháp bảo đảm an toàn an ninh trong môi trường giáo dục nhằm mục tiêu “Cổng trường thông minh” thông qua hình thức kiểm soát vào ra bằng thẻ, nhận diện khuôn mặt, điểm danh tự động...
Nam Du
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/tang-cuong-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-hoat-dong-day-va-hoc.html