Chủ động hơn trong bảo vệ NLĐ
Những ngày qua, TPHCM tích cực triển khai các hoạt động lấy ý kiến nhân dân góp ý về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đóng góp ý kiến thông qua Báo SGGP, TS Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo TS Trần Hải Linh, việc sửa đổi, bổ sung Điều 10, Hiến pháp năm 2013 theo hướng bổ sung nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam là đại diện của NLĐ ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn là để phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Nội dung này sẽ tác động sâu sắc và tích cực đến vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của công đoàn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Cụ thể, việc ghi nhận trong Hiến pháp sẽ giúp nâng tầm pháp lý của Công đoàn Việt Nam, củng cố địa vị là tổ chức đại diện duy nhất ở cấp quốc gia cho NLĐ trong các vấn đề lao động, việc làm, phúc lợi. Điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…, trong đó yêu cầu cao về tự do hiệp hội và đối thoại xã hội.
Tổ chức Công đoàn TPHCM chăm lo công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Bên cạnh đó, khi được xác định là đại diện ở cấp quốc gia, công đoàn sẽ có vị trí rõ ràng hơn trong các thiết chế ba bên (Nhà nước - người sử dụng lao động - NLĐ). Điều này giúp công đoàn chủ động hơn trong đàm phán các chính sách tiền lương tối thiểu, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động…; nhất là trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, điện tử, chế biến thủy sản.
“Việc bổ sung nhiệm vụ đại diện NLĐ trong quan hệ lao động và quốc tế là một bước đi mang tính chiến lược và chủ động của Việt Nam trong cải cách thể chế lao động, nhằm nâng cao vị thế, vai trò, hiệu lực thực chất của Công đoàn Việt Nam. Đây không chỉ là sự thích nghi với yêu cầu hội nhập mà còn là cơ sở để bảo vệ quyền lợi NLĐ một cách hiệu quả, hiện đại và có sức lan tỏa hơn”, TS Trần Hải Linh nhận xét.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng, việc sửa đổi này là sự cập nhật cần thiết, phản ánh đúng thực tiễn hội nhập và sự phát triển của quan hệ lao động hiện nay. Điều này cũng mở đường cho công đoàn thúc đẩy các thỏa ước lao động tập thể cấp ngành, quốc gia, góp phần tạo mặt bằng chung về điều kiện lao động và bảo vệ tốt hơn cho số đông NLĐ.
Trong quan hệ quốc tế về công đoàn, Công đoàn Việt Nam sẽ là đầu mối chính thức đại diện cho tiếng nói của NLĐ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, tham gia xây dựng các tiêu chuẩn lao động toàn cầu; đồng thời tăng cường hợp tác để bảo vệ quyền lợi NLĐ Việt Nam ở nước ngoài và NLĐ nước ngoài tại Việt Nam, cũng như học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực hoạt động của công đoàn.
Cụ thể hóa cơ chế hoạt động của công đoàn
Góp ý về việc sửa đổi, bổ sung Điều 10, Hiến pháp năm 2013, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Võ Thị Dung đề nghị nghiên cứu bỏ quy định công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ. Trường hợp vẫn giữ nội dung này, cần được cụ thể hóa trong quy chế phối hợp giữa Chính phủ với tổ chức công đoàn.
Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TPHCM, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cũng đề nghị bỏ cụm từ “tham gia quản lý nhà nước” vì công đoàn không thể tham gia quản lý nhà nước. Theo chuyên gia này, việc mở rộng thẩm quyền cho công đoàn tham gia quản lý nhà nước sẽ phát sinh những phức tạp khi có nhiều tổ chức đại diện cho NLĐ không phải là tổ chức công đoàn.
Các hình thức đại diện NLĐ khác tổ chức công đoàn nếu được tham gia quản lý nhà nước như công đoàn thì sẽ rất phức tạp. Nhưng nếu không cho các tổ chức này tham gia quản lý nhà nước thì các tổ chức này sẽ cho rằng có sự phân biệt giữa tổ chức công đoàn và các tổ chức khác đại diện cho NLĐ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Điều 10, Hiến pháp năm 2013, đồng thời đề nghị Luật Công đoàn (sửa đổi) phải cụ thể hóa cơ chế hoạt động của công đoàn trong mối quan hệ mới với MTTQ Việt Nam, đảm bảo công đoàn vẫn giữ vai trò chủ động và thực hiện ngày càng thực chất hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ. Nhất là trong giải quyết các vấn đề phát sinh từ quan hệ lao động đa dạng và phức tạp, cùng với những tranh chấp về lao động trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.
ĐÔNG SƠN