BHG - Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, mặt trận tư tưởng – văn hóa đang trở thành một “chiến trường mềm” nơi các thế lực thù địch liên tục triển khai các chiêu bài chống phá. Trước tình hình đó, việc tăng cường xây dựng “sức đề kháng” tư tưởng trong Nhân dân là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững trận địa tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng sức đề kháng tư tưởng trong Nhân dân – Yếu tố cốt lõi bảo vệ nền tảng tư tưởng cách mạng của Đảng
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội, tư tưởng, quan điểm của Nhân dân đang đứng trước nhiều thách thức phức tạp. Các thế lực thù địch không ngừng gia tăng các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, phá hoại nhằm làm suy yếu niềm tin, làm lung lay nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trước tình hình đó, việc tăng cường xây dựng sức đề kháng tư tưởng trong Nhân dân không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là chiến lược lâu dài, mang tính quyết định đối với sự ổn định chính trị và phát triển bền vững của đất nước.
Sức đề kháng tư tưởng được hiểu là khả năng nhận diện, phản biện và loại trừ các luận điệu sai trái, thù địch, giữ vững niềm tin, lý tưởng cách mạng trong mỗi cá nhân và cộng đồng. Để xây dựng sức đề kháng, trước hết cần nâng cao trình độ nhận thức chính trị, lý luận cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ – những người dễ bị tác động bởi các luồng thông tin đa chiều. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin chính thống, minh bạch, kịp thời, tạo ra “lá chắn” thông tin vững chắc trước các luận điệu xuyên tạc. Việc này không chỉ giúp Nhân dân có cái nhìn đúng đắn, khách quan mà còn phát huy vai trò chủ động, tích cực trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, góp phần làm trong sạch môi trường tư tưởng xã hội.
Tăng cường xây dựng sức đề kháng tư tưởng còn là quá trình liên tục, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội và từng cá nhân. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là trách nhiệm đạo đức, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững sự ổn định và phát triển của đất nước trong giai đoạn cách mạng mới. Chính từ sức đề kháng tư tưởng vững chắc của Nhân dân, chúng ta mới có thể tự tin vượt qua mọi thử thách, giữ vững niềm tin và tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để làm được điều đó, cần phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các tổ chức Đảng, đoàn thể từ cơ sở, đồng thời nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đồng thời, cần phát huy sức mạnh của các tổ chức quần chúng, các tầng lớp Nhân dân trong xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, bởi chỉ khi Nhân dân đồng thuận, tin tưởng sâu sắc thì sức đề kháng tư tưởng mới thực sự bền vững. Trong đó, việc giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, gắn lý luận với thực tiễn cuộc sống, giúp Nhân dân thấy rõ giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước, cùng với đó những thông tin chính thống, cập nhật, dễ tiếp cận là “vaccine tinh thần” hiệu quả. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để lan tỏa giá trị tích cực, câu chuyện đẹp, gương người tốt – việc tốt… sẽ giúp hình thành “lá chắn mềm” trong cộng đồng mạng, góp phần củng cố lòng tin, lý tưởng sống tích cực cho giới trẻ.
Kiên quyết “chống” – nhận diện và phản bác hiệu quả
Cùng với “xây”, việc “chống” các luận điệu xuyên tạc, phản động cần phải được tiến hành quyết liệt, khoa học và có chiều sâu. Các thế lực thù địch ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi, núp bóng “tự do ngôn luận”, “nhân quyền”, “dân chủ”… để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, chúng tập trung xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi nhọ hình ảnh lãnh đạo, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, bên cạnh việc phản bác kịp thời bằng lý luận sắc bén, chúng ta cần sử dụng phân tích dữ liệu, công nghệ AI, truyền thông đa nền tảng để bóc trần bản chất, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động. Việc này không chỉ giúp Nhân dân nhận diện đúng – sai mà còn củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển bền vững của đất nước
Trong cuộc đấu tranh này, vai trò của báo chí điện tử và mạng xã hội rất quan trọng. Cần tăng cường quản lý, kiểm soát thông tin trên không gian mạng, đồng thời ứng dụng công nghệ hiện đại để phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ các thông tin xấu độc, xuyên tạc. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa sẽ tạo nên thế trận vững chắc, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng cách mạng, giữ vững ổn định chính trị xã hội.
Cuộc chiến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hôm nay không ồn ào tiếng súng, nhưng quyết liệt hơn bao giờ hết. Đó là cuộc chiến âm thầm nhưng khốc liệt giữa cái đúng và cái sai, giữa ánh sáng lý tưởng và bóng tối của sự xuyên tạc, hoài nghi. Trong cuộc chiến ấy, mỗi người dân không thể đứng ngoài. Mỗi ý nghĩ trung lập đều có thể trở thành khe hở. Mỗi phút lơ là đều có thể trở thành cơ hội cho kẻ thù tư tưởng len lỏi, kích động, chia rẽ.
Để đất nước ổn định, phát triển bền vững thì trước hết phải giữ vững mặt trận tư tưởng – văn hóa của từng cá nhân cho đến cộng đồng và xã hội. Đó là cuộc chiến không tiếng súng, nhưng cần bản lĩnh, lý chí và sự đồng lòng của toàn dân tộc. Chỉ khi mỗi người dân thực sự trở thành một “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng” thì chúng ta mới có thể ngăn chặn hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình”, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ trọn niềm tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Nguyễn Nhất Linh (Triết học K42 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)