Tảng đá cổ vượt biển hé lộ 'giọt nước tràn ly' khiến đế chế Tây La Mã sụp đổ

Tảng đá cổ vượt biển hé lộ 'giọt nước tràn ly' khiến đế chế Tây La Mã sụp đổ
6 giờ trướcBài gốc
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Geology đã hé lộ mối liên hệ bất ngờ giữa những tảng đá cổ trôi dạt từ Greenland đến bờ biển Tây Iceland với sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã một trong những nền văn minh từng thống trị châu Âu.
Các phiến đá granite, niên đại từ năm 500 đến 700 sau Công nguyên, đã kể một câu chuyện dài về biến đổi khí hậu. Theo các nhà khoa học, sự gia tăng của băng trôi mang theo các tảng đá này vượt biển – là dấu hiệu cho thấy sông băng ở Greenland đã mở rộng trong một thời kỳ “tiểu băng hà” từng làm chao đảo cả châu Âu.
Bức tranh mô tả sự sụp đổ của Đế chế La Mã - Ảnh: ABOUT HISTORY
Thời kỳ lạnh bất thường này trùng khớp với ghi chép lịch sử từ năm 536 của sử gia Byzantine Procopius, người mô tả một bầu trời u ám kéo dài, mùa màng thất bát và giá rét bao trùm. Đó là thập kỷ đen tối kéo dài từ năm 536 đến 547, gắn liền với ba vụ phun trào núi lửa lớn, thải tro bụi dày đặc bao phủ khắp bầu khí quyển, khiến nhiệt độ toàn cầu giảm mạnh.
Dù không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự diệt vong của Tây La Mã, biến đổi khí hậu đột ngột chính là "giọt nước tràn ly". Theo Phó Giáo sư Christopher Spencer, chuyên gia kiến tạo hóa học tại Đại học Queen’s (Canada), đây là yếu tố khiến mất mùa, đói kém lan rộng, thổi bùng bất ổn xã hội và góp phần vào chuỗi khủng hoảng vốn đang âm ỉ: từ tham nhũng, dịch bệnh, nội chiến cho đến các cuộc xâm lược từ bên ngoài.
Lịch sử lâu nay vẫn còn tranh cãi về thời điểm chính xác của sự sụp đổ. Một số học giả chọn mốc năm 410, khi người Visigoth cướp phá Rome; số khác coi năm 476, với sự thoái vị của hoàng đế cuối cùng Romulus Augustulus, là dấu mốc chính thức. Nhưng nghiên cứu mới lại ủng hộ quan điểm rằng phải đến thế kỷ 6, sau hàng loạt biến cố kéo dài, “cái chết” của đế chế Tây La Mã mới thực sự hoàn tất.
Không chỉ soi sáng một chương đen tối trong lịch sử, phát hiện này còn là lời cảnh báo mang tính thời sự. “Chúng ta đang đối mặt với những thay đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Việc hiểu cách mà những biến động này từng ảnh hưởng đến các nền văn minh cổ đại sẽ giúp chúng ta dự đoán và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai,” PGS Spencer nhấn mạnh.
Từ những tảng đá lặng lẽ trôi qua đại dương hơn một thiên niên kỷ trước, câu chuyện về sự suy tàn của một đế chế vĩ đại đang được kể lại – không chỉ như một ký ức lịch sử, mà còn như một hồi chuông cảnh tỉnh cho thế giới hôm nay.
Như Ý (t/h)
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/tang-da-co-vuot-bien-he-lo-giot-nuoc-tran-ly-khien-de-che-tay-la-ma-sup-do/20250525070956068