Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 kiếm tra cơ sở sản xuất kinh doanh xúc xích tại huyện Thanh Oai. Ảnh: Trần Thảo.
An toàn thực phẩm luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm
Thực hiện Văn bản số 1052/UBND-KGVX ngày 24/3/2025 của UBND TP về việc ban hành tài liệu chuyên đề pháp luật để tập huấn và tuyên truyền Nghị quyết số 49/2024/NQ-HĐND ngày 12/12/2024 của HĐND TP quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực An toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô 2024), Sở Tài chính đã ban hành tài liệu chuyên đề pháp luật số 14 để tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và người dân trên địa bàn TP Hà Nội được biết và thực hiện.
Theo đó, thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng hàng ngày cho cơ thể giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh chống lại các nguy cơ bệnh tật. Giúp con người hoạt động và làm việc tốt, vì vậy, nếu nguồn thực phẩm không đảm bảo hợp vệ sinh thì sức khỏe con người sẽ bị đe dọa đến tính mạng. An toàn thực phẩm luôn là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, bởi có những tác động trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, sức khỏe và tính mạng của người dân. Vệ sinh an toàn thực phẩm là tất cả các điều kiện, các biện pháp cần thiết từ khâu sản xuất đến chế biến bảo quản, phân phối, vận chuyển cũng như sử dụng. Nhằm đảm bảo cho thực phẩm tươi sạch và an toàn không gây hại cho sức khỏe tính mạng người tiêu dùng.
Thực tế, những năm vừa qua, công tác an toàn thực phẩm luôn được Lãnh đạo TP quan tâm chỉ đạo sát sao, Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP cùng các cấp, các ngành liên tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn về đảm bảo an toàn thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm từ TP đến xã, phường được tiến hành đồng loạt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành, hạn chế tối đa chồng chéo, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm và kịp thời thông tin trên hệ thống thông tin đại chúng.
Theo báo cáo tổng hợp về công tác an toàn thực phẩm toàn TP: trong năm 2019, toàn TP đã tổ chức thanh, kiểm tra 131.071 lượt cơ sở, phạt tiền 7.318 cơ sở với số tiền phạt là 27.297.762.064 đồng, nhắc nhở 10.650 cơ sở; trong năm 2020, toàn TP đã tổ chức thanh, kiểm tra: 107.020 lượt cơ sở phát hiện cơ sở vi phạm, phạt tiền 6.154 cơ sở với số tiền phạt là 28.118.780.250 đồng. Tiêu hủy nhiều loại sản phẩm thực phẩm; trong năm 2021, toàn TP đã tổ chức thanh, kiểm tra: 56.798 lượt cơ sở, đạt 45.929 lượt cơ sở (80,9%), phát hiện 10.876 cơ sở vi phạm về ATTP, phạt tiền 5.460 cơ sở với số tiền phạt 24.013.881.277 đồng.
Trong năm 2022, toàn TP đã tổ chức thanh, kiểm tra: 61.507 lượt cơ sở, đạt 49.866 lượt cơ sở (81,1%), trong đó đã phát hiện, nhắc nhở và xử lý vi phạm hơn 11.641 cơ sở với số tiền phạt là hơn 25.826.084.336 đồng; trong năm 2023, toàn TP đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 86.689 cơ sở, xử phạt vi phạm 10.750 cơ sở, tổng số tiền xử phạt là 17.028.580.000 đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, đã kiểm tra 67.302 cơ sở, xử lý vi phạm 8.114 cơ sở với tổng số tiền xử phạt trên 13 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm mặc dù đã được xử lý nghiêm minh, tuy nhiên, các hành vi vi phạm chủ yếu vẫn thường xuyên tái diễn, gây không ít bức xúc cho dư luận.
Nâng mức phạt gấp 2 lần đối với hành vi vi phạm hành chính
Nghị quyết số 49/2024/NQ-HĐND ngày 12/12/2024 của HĐND TP quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực An toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội được quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 124/ NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ.
Những hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm không quy định tại Nghị quyết này; hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt quy định tại Nghị quyết này được áp dụng theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị quyết số 49/2024/NQ-HĐND ngày bằng 2 lần mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng áp dụng cho cá nhân, tổ chức tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Mức tiền phạt quy định tại Chương II Nghị quyết này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại khoản 5 Điều 5 và Điều 9 là mức phạt đối với tổ chức. Đối với một số hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức tiền phạt đối với cá nhân. Người có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị quyết này.
Những hành vi có mức độ vi phạm thường xuyên trên thực tế, có mức độ ảnh hưởng và phạm vi tác động lớn đối với vấn đề an toàn thực phẩm. Cụ thể: hành vi vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (Điều 5); hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (Điều 6).
Hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm (Điều 7); hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố (Điều 8); vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Điều 9).
Theo Sở Tài chính, TP Hà Nội là địa bàn có hoạt động an toàn thực phẩm vô cùng phức tạp, việc áp dụng chính sách riêng, đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô 2024 để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Việc tăng mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP tạo sự răn đe, góp phần hạn chế phát sinh các vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Nghị quyết đảm bảo chính sách được thực hiện ổn định, không tác động xấu đến kinh tế, xã hội, không tăng thủ tục hành chính, không gây xáo trộn đời sống dân sinh. Nghị quyết không làm phát sinh thủ tục hành chính.
Việc tăng mức xử phạt gấp hai lần đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP được quy định tại Luật Thủ đô 2024 đã thể hiện sự quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của Thành ủy, HĐND, UBND TP trong thực hiện công tác bảo đảm ATTP.
Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2025, cơ quan chức năng của TP và các quận, huyện, thị xã tiếp tục tập trung triển khai chuyên đề bảo đảm ATTP trong và xung quanh trường học; cùng đó tập trung giám sát chất lượng các sản phẩm OCOP; đặc biệt sẽ gắn với việc xử phạt ở mức cao nhất trong thẩm quyền mà TP ban hành.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP
Hải Bình