Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước
Sáng nay, 3.7.2025, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố 16 luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua.
Giới thiệu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, sau hơn 8 năm thi hành, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bên cạnh những kết quả đạt được, đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cấp và đặt ra yêu cầu cấp thiết, khách quan phải tiến hành sửa đổi, bổ sung.
Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật này nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong giai đoạn mới;
Giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cấp trong thực tiễn thi hành quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành mà cần phải sửa ngay, cụ thể là: Một số quy định chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; một số quy định chưa phù hợp với cơ cấu tổ chức, bộ máy mới sau khi thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy;
Một số quy định chưa thực sự phù hợp, chưa tạo cơ sở pháp lý thuận lợi nhất để các cơ quan chức năng tiến hành hoạt động của mình; một số quy định về hình phạt tù, phạt tiền chưa đảm bảo tính răn đe, nhất là đối với các loại tội phạm đang có nhiều diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong thời gian qua như tội phạm về ma túy, môi trường, hàng giả, vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Bộ luật đã sửa đổi, bổ sung 39 điều của Bộ luật Hình sự, trong đó: Bổ sung 1 điều luật (Điều 256a: Tội sử dụng trái phép chất ma túy), bỏ hình phạt tử hình (8 điều), còn lại các điều luật khác sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức hình phạt tù và hình phạt tiền, hạ mức thông số mức nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, bổ sung các chất ma túy mới, sửa đổi một số quy định để phù hợp với cơ cấu, tổ chức bộ máy mới sau khi không tổ chức Công an cấp huyện và tên gọi của các bộ sửa khi thực hiện phương án sáp nhập.
Bộ luật này cũng nâng gấp 2 lần hình phạt tiền đối với 24 tội danh.
Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: Kim Anh
Việc nâng mức hình phạt tập trung vào nhóm tội về hàng giả, môi trường, an toàn thực phẩm, tham nhũng.
Thực tiễn phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm hàng giả, môi trường, an toàn thực phẩm, tham nhũng cho thấy, đây là những loại tội phạm thu lợi nhuận bất chính rất lớn từ hành vi phạm tội, tuy nhiên, hiện nay, mức phạt tiền đối với tội này là tương đối thấp, chưa thực sự tương xứng với tính chất các tội phạm, chưa bảo đảm tính răn đe cần thiết, nhiều đối tượng sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội để thu được lợi nhuận, dẫn đến tính trạng “nhờn luật”.
Việc nâng mức phạt tiền này cũng phù hợp tình hình phát triển kinh tế, xã hội, có tính đến các yếu tố biến động của giá cả, thu nhập bình quân đầu người (có tham chiếu mức lương cơ sở tăng 2.04 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 2.02 lần), tại thời điểm năm 2015 với thời điểm hiện tại.
Luật này cũng tăng mức phạt tù tại 8 điều luật trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Việc tăng mức hình phạt tù tập trung vào các nhóm tội về môi trường, ma túy, an toàn thực phẩm.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, tội phạm về môi trường, ma túy, an toàn thực phẩm có nhiều diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, gây nhiều hệ lụy xấu về an ninh, trật tự, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của đất nước.
Tuy nhiên, mức hình phạt khởi điểm của các tội này là tương đối thấp, chưa bảo đảm tính răn đe và chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của tội phạm. Do đó, Luật đã nâng mức phạt tù các nhóm tội này.
Đối với 8 tội danh được bỏ hình phạt tử hình, gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109)); Tội gián điệp (Điều 110); Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Riêng đối với Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ, sau khi bỏ hình phạt tử hình, nhằm bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đồng thời khuyến khích người phạm tội tích cực khai báo trong quá trình giải quyết vụ án, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 63 theo hướng: “Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Ngoài ra, Luật cũng hạ mức thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một trung tại Điều 235 (Tội gây ô nhiễm môi trường)
Thực tế đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về gây ô nhiễm môi trường thấy rằng, hiện nay, mức thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn quốc gia đóng làm căn cứ định khung hình phạt quy định tại Điều này đang quá cao, dẫn đến rất khó áp dụng để truy tố hình sự, đa số các hành vi vi phạm mức độ gây hậu quả đã nghiêm trọng nhưng chỉ bị xử lý hành chính, do đó, cần thiết phải hạ mức này xuống để tránh bỏ lọt tội phạm, góp phần tạo lập môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh.
HOÀNG HƯƠNG