Từ ngày 10/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8%, nâng mức giá điện bình quân lên hơn 2.200 đồng/kWh. Đây là lần điều chỉnh thứ hai kể từ năm 2023, nâng tổng mức tăng trong vòng ba năm qua lên hơn 17%.
Trong khi EVN khẳng định mức điều chỉnh là cần thiết để bù đắp chi phí đầu vào leo thang, đảm bảo cung ứng điện và an sinh xã hội, thì nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cảnh báo áp lực kép về giá thành, minh bạch tài chính và năng lực cạnh tranh quốc gia. Tăng giá điện là điều “không thể tránh”, nhưng có thực sự “đúng thời điểm”?
Tiền điện người dân phải trả tăng thêm sau khi điều chỉnh giá (4,8%).
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cơ sở của đợt điều chỉnh giá lần này là do chi phí sản xuất và mua điện tăng cao, đặc biệt khi tỉ trọng các nguồn điện giá rẻ như thủy điện giảm đáng kể vì ảnh hưởng thời tiết. Chỉ riêng sản lượng thủy điện năm nay đã giảm gần 7 tỉ kWh so với năm 2024. Trong khi đó, sản lượng từ các nhà máy điện than, khí và dầu - vốn có giá thành cao hơn - lại tăng mạnh.
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết: “Chi phí than nhập khẩu, khí và dầu tiếp tục tăng trong bốn tháng đầu năm 2025. Tăng giá điện lần này là kết quả của quá trình rà soát thường xuyên, trên cơ sở Luật Điện lực và Nghị định 72 về điều chỉnh giá điện”.
EVN khẳng định mức điều chỉnh sẽ chỉ làm tăng CPI khoảng 0,09%. Với các hộ dân sử dụng dưới 50kWh/tháng, tiền điện tăng thêm khoảng 4.550 đồng. Các hộ dùng từ 400kWh trở lên sẽ chi trả thêm khoảng 65.000 đồng mỗi tháng.
Để đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ vẫn duy trì chính sách hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách. Mỗi hộ nghèo sử dụng dưới 50kWh/tháng được hỗ trợ tương đương 30kWh, với mức khoảng 59.520 đồng/hộ/tháng, gần như bù toàn bộ phần tăng giá.
Doanh nghiệp lo ngại: Giá điện tăng giữa lúc đơn hàng sụt giảm
Mặc dù EVN khẳng định mức tăng giá lần này chỉ tác động nhẹ đến chỉ số CPI và chi phí sinh hoạt của người dân, song trong bối cảnh nắng nóng kéo dài và giá nguyên vật liệu leo thang, nhiều doanh nghiệp không khỏi lo ngại.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, cho biết ngành dệt may - vốn sử dụng máy móc và năng lượng cao trong các công đoạn như dệt, nhuộm - đang gồng mình vì chi phí đầu vào tăng. “Giá điện tăng góp phần đẩy giá thành sản phẩm lên, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế”, ông Việt nói.
Trong ngành cơ khí, Chủ tịch HĐTV một doanh nghiệp cơ khí tại TP.HCM cho biết chi phí điện chiếm khoảng 10% giá thành sản phẩm, hiện mỗi tháng họ chi từ 400 - 500 triệu đồng cho tiền điện. “Chúng tôi đang bị kẹp giữa áp lực đơn hàng giảm và chi phí tăng. Mức điều chỉnh bất ngờ này thực sự khiến chúng tôi bị động vì không thể phản ứng kịp trong đàm phán hợp đồng và giá bán sản phẩm”.
Với ngành chế biến thực phẩm và thủy sản - vốn tiêu tốn nhiều điện cho hệ thống lạnh và dây chuyền sản xuất - mức tăng giá lần này càng khiến bài toán chi phí thêm nan giải. Một doanh nghiệp trong lĩnh vực này chia sẻ rằng điện chiếm đến 20% tổng chi phí sản xuất, do đó chỉ cần giá điện tăng nhẹ cũng gây áp lực lớn lên giá thành sản phẩm, trong khi thị trường xuất khẩu vẫn đang gặp khó.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản quy mô lớn ở ĐBSCL cho biết tiền điện hàng tháng của họ lên đến khoảng 2 tỉ đồng, và mức tăng 4,8% đồng nghĩa với chi phí tăng thêm vài trăm triệu đồng mỗi tháng. “Chúng tôi đã phải siết lại tất cả khâu vận hành, lắp biến tần tiết kiệm điện, thậm chí đang tính phương án đầu tư hệ thống điện mặt trời để giảm phụ thuộc vào lưới điện quốc gia”.
Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và người dân cũng tỏ rõ lo lắng trước diễn biến tăng giá điện, nhất là khi nắng nóng đang đạt đỉnh. Một tiểu thương tại chợ đầu mối chia sẻ: “Chỉ cần điện tăng, nước đá, thực phẩm tươi sống cũng tăng theo. Trong khi người bán không dễ tăng giá vì sức mua đang yếu”.
Nhiều chủ nhà trọ tại các khu công nghiệp cho biết đang cân nhắc giữ nguyên giá điện cho người thuê, song nếu giá điện tiếp tục tăng, buộc họ phải điều chỉnh. Một số sinh viên, công nhân thuê trọ cũng phản ánh mức điện tăng có thể khiến họ phải chi thêm hàng chục nghìn đồng mỗi tháng - một con số nhỏ nhưng đáng kể trong bối cảnh thu nhập chưa tăng.
Một chủ quán cà phê cho biết mỗi tháng tiền điện lên tới khoảng 16 triệu đồng và mức tăng 4,8% có thể khiến chi phí đội thêm gần 800.000 đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận vốn đã mỏng. “Chưa kể, điện tăng thường kéo theo chi phí nguyên liệu tăng, nhưng chúng tôi không dám tăng giá bán vì dễ mất khách”.
Có bù lỗ được không? Vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng
Theo ông Bùi Thanh Thủy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - việc tăng giá điện là khách quan và không thể tránh khỏi khi chi phí đầu vào leo thang. Tuy nhiên, điều người tiêu dùng cần là một lộ trình minh bạch, có đánh giá kỹ tác động xã hội và giải pháp hỗ trợ đi kèm.
Trong khi đó, thông tin tài chính của EVN - bao gồm các khoản lỗ tỉ giá “treo” lâu năm - vẫn chưa được công bố rõ ràng. Dù EVN cho biết đang xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần để tiệm cận thị trường, nhưng thời điểm áp dụng vẫn chưa cụ thể.
Kết quả kiểm toán của Bộ Công Thương cho thấy tổng chi phí sản xuất điện năm 2023 của EVN là hơn 528.600 tỉ đồng, tương ứng giá thành khoảng 2.088,9 đồng/kWh. Dù kết quả kinh doanh năm 2024 ghi nhận hòa vốn, EVN vẫn còn hàng chục nghìn tỉ đồng lỗ lũy kế từ các năm trước, cùng hơn 18.000 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá chưa xử lý.
Từ năm 2023 đến nay, giá điện đã tăng tổng cộng hơn 17%, nhưng EVN vẫn chưa công bố liệu mức tăng này có đủ bù đắp các khoản lỗ tài chính tích lũy. Ông Võ Quang Lâm cho biết sản lượng điện sản xuất và mua vào trong hai năm 2024-2025 ước tính khoảng 33,6 tỉ kWh - phần lớn từ các nguồn giá cao - nên áp lực chi phí vẫn rất lớn.
Đặc biệt, việc EVN chưa cập nhật công khai tình hình lỗ tài chính, chi phí lãi vay, lỗ tỉ giá khiến dư luận đặt dấu hỏi về hiệu quả hoạt động nội tại của doanh nghiệp này.
Nếu xét riêng yếu tố chi phí đầu vào tăng cao và nguồn điện giá rẻ sụt giảm, việc điều chỉnh giá điện là có cơ sở. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp chưa phục hồi, giá điện tăng sẽ càng khiến sức ép chi phí sản xuất lớn hơn, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - ông Nguyễn Tiến Thỏa - phân tích: “Ngành điện đang âm dòng tiền. Nếu không sớm chuyển sang cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ, thì rất khó tái đầu tư, dẫn đến nguy cơ mất an toàn năng lượng quốc gia”. Ông cũng kiến nghị cần sửa đổi biểu giá điện, loại bỏ các chi phí không minh bạch và dàn trải như phần chênh lệch tỉ giá kéo dài nhiều năm qua.
Tăng giá điện sẽ hợp lý - nếu đi kèm với một lộ trình minh bạch, cải cách sâu về thị trường điện cạnh tranh, và cơ chế kiểm soát hiệu quả tài chính của EVN. Nếu không, người dân và doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục gánh chi phí mà chưa thấy cam kết rõ ràng từ bên cung cấp.
Tăng giá điện là một phần không thể tránh trong bài toán đảm bảo cung ứng năng lượng quốc gia. Nhưng vấn đề không chỉ là “tăng bao nhiêu”, mà là “tăng như thế nào”, “vì sao phải tăng” và “tăng rồi có cải thiện gì hay không”. Trong lúc chờ thị trường điện cạnh tranh thực sự được triển khai, người tiêu dùng vẫn cần một câu trả lời rõ ràng hơn từ EVN - không chỉ về giá, mà về hiệu quả và trách nhiệm.
Trung Việt