Có thể hiểu được nỗi lo này, khi mà các đợt tăng giá điện vừa qua đều có ảnh hưởng khá rõ đến CPI. Ví dụ gần đây nhất, giá bán lẻ điện được điều chỉnh trong tháng 11/2023 là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến CPI 9 tháng của năm nay; trong đó, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 8,08%, làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, mức tăng 4,8% bắt đầu từ tháng 10 năm nay. Do vậy, sẽ không tác động tới việc đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết: "Bình quân 9 tháng của năm nay, lạm phát ở mức là 3,88% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy chúng ta còn dư địa khá lớn để thực hiện mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Theo tính toán của chúng tôi, để đạt mức lạm phát cao nhất mà Quốc hội cho phép là 4,5% trong năm 2024, thì Quý IV năm nay có thể tăng là 6,4% và điều này rất khó có thể xảy ra".
Tuy vậy, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, tác động gián tiếp của việc tăng giá điện tới lạm phát sẽ rõ rệt hơn vào cuối năm và năm tới 2025, bởi điện là mặt hàng năng lượng rất quan trọng để phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Có thể mức tăng này được nhận định không gây áp lực quá lớn, song cần ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”.
Như vậy, việc kiểm soát giá để tránh "tát nước theo mưa" là hết sức cần thiết; đặc biệt, tránh để tình trạng các mặt hàng đồng loạt tăng trong cùng thời điểm.. Để hạn chế tối đa tác động từ giá điện tới lạm phát, các doanh nghiệp, người dân cần nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng.
Lệ Cẩm
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/tang-gia-dien-chua-anh-huong-toi-kiem-soat-lam-phat-277505.htm