Tăng giá trị nông sản, nâng tầm sản xuất nhờ ứng dụng khoa học công nghệ

Tăng giá trị nông sản, nâng tầm sản xuất nhờ ứng dụng khoa học công nghệ
3 giờ trướcBài gốc
Người dân thị trấn Vân Du (Thạch Thành) chăm sóc cây bơ Booth7 (do Viện Nông nghiệp Thanh Hóa chuyển giao).
KH&CN không còn là lĩnh vực xa rời thực tiễn mà ngày càng đóng vai trò then chốt trong mọi khâu của chuỗi giá trị nông nghiệp; từ khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch đến chế biến và tiêu thụ. Để triển khai hiệu quả, tỉnh ta đã chú trọng cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN theo nhu cầu thực tế của ngành nông nghiệp; mở rộng mạng lưới hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp và địa phương. Đồng thời, quan tâm phát triển các trung tâm giống, mô hình ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ nhân rộng các sáng kiến nông nghiệp phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng miền.
Tại Trường Đại học Hồng Đức, nhiều đề tài nghiên cứu đã và đang khẳng định tính ứng dụng cao, tiêu biểu như: “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình nuôi cá trắm đen (Mylopharyngodon piceus), cá bống (Spinibarbus denticulatus), cá chép V1 (Cyprinus carpio) trong lồng theo chuỗi giá trị tại hồ chứa thủy lợi tỉnh Thanh Hóa”. Mô hình này không chỉ tận dụng hiệu quả mặt nước lòng hồ vốn bị bỏ trống trong thời gian dài, mà còn xây dựng được quy trình nuôi trồng khép kín, từ con giống, kỹ thuật nuôi, thu hoạch đến tiêu thụ. Nhờ ứng dụng đồng bộ KH&CN trong chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh và theo dõi chất lượng nước, tỷ lệ sống của cá tăng cao, sản lượng đạt trung bình cao hơn hẳn so với nuôi thả truyền thống...
Bên cạnh đó, Đề tài “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phụ phẩm cây mía vùng nguyên liệu Bắc Trung bộ” đã tiếp cận theo hướng tận dụng triệt để phụ phẩm nông nghiệp. Thay vì đốt bỏ bã mía hoặc để hoai mục tự nhiên, nhóm nghiên cứu đề xuất các quy trình xử lý, phối trộn bã mía làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ sinh học và cải tạo đất trồng. Kết quả bước đầu cho thấy, chi phí sản xuất giảm từ 10 - 15%, chất lượng đất được cải thiện rõ rệt sau mỗi vụ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân vùng mía. Mô hình này được kỳ vọng sẽ mở rộng ra các huyện trọng điểm như Thạch Thành, Ngọc Lặc, Lang Chánh - nơi có diện tích trồng mía lớn và nguồn phụ phẩm dồi dào.
Không đứng ngoài xu thế đó, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa dù mới sáp nhập và hoạt động với tư cách một cơ sở đào tạo nghề chuyên sâu từ năm 2021, nhưng nhà trường đã bước đầu triển khai 83 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, tập trung vào các mô hình đào tạo gắn với thực hành tại địa phương. Đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học của trường đang từng bước được củng cố cả về số lượng và trình độ chuyên môn. Còn tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, từ năm 2018 đến nay đã thực hiện 28 quy trình kỹ thuật, triển khai 20 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và 24 nhiệm vụ cơ sở. Các đề tài chủ yếu tập trung vào chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mới, bảo quản nông sản sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân...
Những kết quả trên là minh chứng cho sự đồng hành chặt chẽ giữa nhà khoa học và chính quyền địa phương. Mỗi đề tài, mô hình được triển khai đều bám sát nhu cầu sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ canh tác của người dân, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch và hiệu quả chuỗi giá trị.
Đặc biệt, nhiều đề tài không chỉ dừng ở nghiên cứu mà đã phát huy tính kế thừa và mở rộng khi đưa vào thực tiễn. Các sản phẩm KH&CN được chuyển giao cho HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân triển khai rộng rãi, giúp người dân từng bước làm quen với kỹ thuật, công nghệ mới. Đồng thời, đội ngũ cán bộ khoa học có cơ hội “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), từ đó điều chỉnh công nghệ phù hợp thực tế địa phương.
Mối liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - người dân chính là “chìa khóa” để KH&CN đi vào cuộc sống. Thành quả thời gian qua là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của hướng đi này, đồng thời tạo tiền đề để KH&CN tiếp tục bứt phá trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng KH&CN trong nông, lâm, ngư nghiệp vẫn còn những “điểm nghẽn”. Cụ thể, số lượng sản phẩm KH&CN được ứng dụng rộng rãi còn ít; một số quy trình nghiên cứu chưa sát thực tiễn hoặc thiếu vốn triển khai. Trình độ công nghệ chưa đồng đều giữa các vùng; các khâu như cơ giới hóa, chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu và phụ thuộc nhiều vào thiết bị nhập khẩu. Đặc biệt, mô hình liên kết “4 nhà” chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển bền vững cho nông, lâm, ngư nghiệp, thời gian tới các ban, sở, ngành liên quan cũng như các địa phương, doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ và thiết thực hơn nữa. Trước hết, cần tăng cường bố trí ngân sách cho các nhiệm vụ KH&CN gắn với thực tiễn, đồng thời hỗ trợ triển khai sau nghiệm thu và khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Song song đó, việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ KH&CN ở địa phương thông qua đào tạo chuyên sâu, thu hút trí thức trẻ cũng cần được chú trọng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với địa phương, doanh nghiệp để triển khai các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao phù hợp từng vùng sinh thái. Đặc biệt, việc xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá kết quả nghiên cứu một cách nghiêm túc, minh bạch sẽ giúp tránh tình trạng dàn trải, hình thức và xa rời nhu cầu thực tiễn.
Với quyết tâm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Thanh Hóa xác định ứng dụng KH&CN là khâu đột phá trong giai đoạn 2025-2030. Những tín hiệu tích cực bước đầu cho thấy hướng đi này hoàn toàn phù hợp, song để đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần tiếp tục khơi dậy tiềm lực đội ngũ trí thức, huy động sự chung tay từ doanh nghiệp và người dân. Chỉ khi KH&CN trở thành động lực trung tâm, nông nghiệp Thanh Hóa mới thực sự phát triển theo hướng hiện đại, xanh - sạch - bền vững.
Bài và ảnh: Trần Hằng
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/tang-gia-tri-nong-san-nang-tam-san-xuat-nho-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-246240.htm