Phụ huynh lo lắng
Ngay từ đầu tháng 2/2025, nhiều trường đại học khu vực phía Nam đã thông báo tăng học phí. Năm học 2025-2026, học phí của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) có mức thấp nhất là 30 triệu đồng/năm, nhiều ngành chi phí lên tới 80 triệu đồng/năm. Các ngành chuyển tiếp quốc tế lên tới 900 triệu đồng/năm. So với năm 2024, học phí các ngành chuyển tiếp năm nay tăng thêm từ 28 - 101 triệu đồng.
Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh cũng dự kiến mức học phí năm 2025 cho chương trình chuẩn dao động từ 24 - 28,5 triệu đồng/năm. Đối với chương trình chất lượng cao, các ngành có học phí 46,5 triệu đồng/năm, riêng một số ngành “hot” như khoa học máy tính, công nghệ thông tin… mức học phí lên đến 49,5 triệu đồng/năm.
Ngay sau các trường đại học khu vực phía Nam, các trường đại học khu vực phía Bắc cũng thông báo tuyển sinh, đồng thời công bố học phí.
Nhiều trường đại học đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh và mức học phí năm học 2025-2026. Ảnh minh họa
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến học phí năm học 2025-2026 từ 18-25 triệu đồng/năm học (chương trình chuẩn), lộ trình tăng học phí cho từng năm của trường ở mức tối đa 10%/năm.
Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) có mức học phí năm học 2025-2026 46 triệu đồng/năm; năm học 2026-2027 là 48 triệu đồng/năm và năm học 2027-2028 là 50 triệu đồng/năm.
Học phí đại học hiện được áp dụng theo Nghị định 97/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo nghị định này, năm học 2025 - 2026 trường đại học công lập chưa tự chủ, mức thu học phí tăng thêm từ 1,7 - 3,5 triệu đồng so với năm học 2024-2025 tùy khối ngành.
Các trường đại học công lập đã tự đảm bảo chi thường xuyên, học phí năm học tới tăng từ 3,4 - 7 triệu đồng so với trước đó. Các trường đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, tăng học phí từ 4,25 - 8,75 triệu đồng. Trường đại học tư nhân tự cân đối mức học phí.
Theo nhìn nhận của nhiều nhà quản lý ngành giáo dục, mức tăng học phí được điều chỉnh ở ngưỡng hợp lý nhằm tránh gây xáo trộn, đồng thời tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tiếp cận nền giáo dục chất lượng, phát triển bản thân và đóng góp tích cực cho xã hội.
Tuy nhiên, với vai trò “người chi trả”, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ, học phí tăng hàng năm đã tạo áp lực không nhỏ, nhất là với các gia đình có 2 con trở lên cùng học đại học.
Chị Phan Hải Yến, giáo viên dạy văn cấp 2 tại Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk chia sẻ, con gái lớn của chị đang học năm thứ 3 Học viện Ngoại giao tại Hà Nội, năm học tới con thứ 2 muốn đăng ký vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Việc nuôi hai con cùng học đại học ở đất Thủ đô đắt đỏ, cộng hưởng với học phí tăng là áp lực lớn cho gia đình.
Dù không ở hoàn cảnh 2 con cùng học đại học như chị Yến, anh Phạm Văn Việt (Phú Xuyên, Hà Nội) “dễ thở” hơn khi năm nay con trai đầu của anh mới bước chân vào đại học.
Nhưng với công việc và thu nhập hàng tháng của anh không đều, để lo được mức học phí chương trình chuẩn từ 24-27,9 triệu đồng/năm, hay song bằng quốc tế từ 38,5-65 triệu đồng/năm của Trường Đại học Thương mại như nguyện vọng của con anh, cùng các chi phí khác là vấn đề không nhỏ.
Cách nào giảm áp lực?
Với mỗi em sinh viên, ngoài học phí còn thêm chi phí ăn, ở sinh hoạt, do đó số tiền mỗi tháng phụ huynh phải lo không hề nhỏ.
Để hỗ trợ các em sinh viên, ngành giáo dục có những chính sách hỗ trợ nhất định như giảm học phí, cấp học bổng. Đơn cử, Trường Đại học Sài Gòn, sinh viên các chương trình đào tạo đại trà (không gồm các ngành đào tạo giáo viên) có kết quả học tập trong nhóm 12% sinh viên giỏi nhất của ngành được hưởng chế độ miễn học phí lên đến 100% học phí và học bổng khuyến khích học tập.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, dự kiến dành ít nhất 60 tỷ đồng để cấp học bổng hỗ trợ và khuyến khích sinh viên. Tương tự, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh công bố chính sách học bổng năm 2025 với 4.000 suất, tổng giá trị hơn 40 tỷ đồng, dành cho sinh viên giỏi, hoặc có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực trong học tập.
Bên cạnh chính sách học bổng, nhiều trường đại học còn phối hợp với các tổ chức để triển khai chương trình tín dụng dành cho sinh viên với lãi suất ưu đãi, thậm chí lên đến 0% để trang trải chi phí học tập.
Tuy nhiên, mức vay tối đa hiện nay cho sinh viên là 4 triệu đồng/tháng, tương đương 40 triệu đồng/năm học. Trong bối cảnh học phí và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, khoản vay này chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thực tế, đặc biệt đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Do đó, để đảm bảo mọi sinh viên đều có cơ hội học tập, nhiều phụ huynh mong muốn được tăng mức vay, mở rộng đối tượng thụ hưởng, đồng thời xây dựng cơ chế trả nợ linh hoạt. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn tài chính từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng để tạo thêm nhiều quỹ học bổng cũng là giải pháp thiết thực giúp sinh viên yên tâm học tập.
Hơn 150 trường đại học đã thông báo phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025, một số trường dự kiến mức học phí tăng so với năm ngoái. Theo quy định hiện hành, học phí đại học công lập căn cứ lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo. Nhà nước đưa ra trần học phí theo khối ngành và từng năm học, các trường không được vượt. Với những chương trình đã kiểm định chất lượng, trường đại học được tự xác định học phí.
Hải Linh