Sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN
Ước tính, tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 28.000 ha sầu riêng tập trung ở các địa bàn kiểm soát lũ phía Tây với những giống chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng: Ri6, Mong Thong...
Trong số đó, diện tích cho sản phẩm trên 17.600 ha, sản lượng trên 350.000 tấn quả mỗi năm, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước, mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân các địa bàn thuần nông đang mạnh mẽ chuyển đổi cây trồng theo định hướng “chung sống với lũ” và thích ứng biến đổi khí hậu.
Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh vùng chuyên canh sầu riêng, địa phương thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng nhiễm chất cadimi - những chất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng nguồn cung nông sản xuất khẩu, giải quyết đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống của bà con nông dân cũng như uy tín của thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo đó, qua kiểm tra, khảo sát, ngành chức năng bước đầu xác định được 2 nguồn có khả năng dẫn đến nhiễm cadimi trên sầu riêng gồm: các loại phân bón được sử dụng có chứa phosphate, bao gồm từ phân bón gốc và phân phun qua lá; phân hữu cơ có nguồn gốc rác thải công nghiệp và nguồn khác từ đất trồng có độ pH thấp.
Trên cơ sở đó, để góp phần khắc phục tình trạng nhiễm cadimi trên trái sầu riêng, địa phương đã tổ chức lấy 130 mẫu phân bón, đất, nước…tại các vùng có nguy cơ ô nhiễm, vùng trồng sầu riêng, cơ sở đóng gói, cửa hàng vật tư nông nghiệp.
Mục đích nhằm xác định, khoanh các vùng nguy cơ có khả năng gây nhiễm kim loại nặng cadimi làm cơ sở khuyến cáo nhà vườn kịp thời áp dụng các giải pháp thâm canh phù hợp; đặc biệt là khuyến cáo sử dụng các loại phân bón không có chứa hoặc chứa cực thấp cadimi, giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm cadimi trên trái sầu riêng cũng như khuyến khích nhà vườn canh tác theo quy trình chuẩn để kiểm soát nhiễm kim loại nặng.
Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp cùng các địa phương, các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu triển khai thực hiện 7 mô hình kiểm soát cadimi thí điểm tại các vườn trồng sầu riêng được chọn kết hợp đưa ra các giải pháp canh tác sầu riêng theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng xuất khẩu tại vùng trồng sầu riêng trọng điểm.
Kết quả bước đầu mang lại rất khả quan. Sau gần 4 tháng thực hiện mô hình, qua đo đạc thực tế và phân tích cho thấy độ pH đất tăng 0,5 - 0,92, làm chocadimi không hòa tan trong đất nên cây không hấp thu và vận chuyển lên cành, lá và trái; hàm lượng cadimi trong cành, lá cũng giảm 0,02 - 0,03 mg/kg.
Các mô hình đang được tiếp tục theo dõi các chỉ tiêu, sẽ thực hiện sơ, tổng kết và nhân rộng vào sản xuất trong thời gian tới. Đồng thời, trước mắt, tỉnh đã xác định được khoảng 69 các loại phân bón có chứa phosphate và được khuyến cáo nông dân sử dụng nhằm thay thế các loại phân bón có chứa hàm lượng cadimi cao.
Từ đầu năm đến nay, địa phương tổ chức 2 hội nghị “Phổ biến các quy định liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói và đề xuất giải pháp khắc phục, đảm bảo chất lượng trái cây tươi phục vụ xuất khẩu trên địa bàn; thực hiện gần 30 cuộc tập huấn với gần 1.500 người tham dự, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe cây trồng và giảm thiểu tồn dư cadimi trong sản phẩm xuất khẩu.
Thông qua việc thông tin, quảng bá, cảnh báo, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo nhà vườn Quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp cây sầu riêng cũng như biện pháp hạn chế việc nhiễm kim loại nặng cadimi trong sản phẩm sầu riêng; yêu cầu các vùng trồng thực hiện việc kiểm tra dư lượng kim loại nặng và thực hiện truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu trước khi xuất khẩu; yêu cầu các cơ sở đóng gói phải có hồ sơ truy xuất nguồn gốc; phổ biến các quy định, yêu cầu xuất khẩu sầu riêng, đặc biệt là hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói kiểm soát kim loại nặng cadimi.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục lấy mẫu kiểm tra hàm lượng cadimi trong các loại phân bón sử dụng phổ biến, khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón không có chứa cadimi hoặc có chứa hàm lượng cadimi cực thấp để hạn chế sự tích lũy của cadimi trong đất và sản phẩm.
Ngoài ra, tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật của vùng trồng, cơ sở đóng gói về các yêu cầu của các nước nhập khẩu, nhất là quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm (quản lý tốt cadimi). Cùng đó, phối hợp với doanh nghiệp và địa phương lấy mẫu đất phân tích, thực hiện bản đồ số hóa (khoanh vùng xác định vùng không nhiễm, nhiễm nhẹ, vùng nguy cơ) để có khuyến cáo cho sản xuất và tiêu thụ. Mặt khác, theo dõi các mô hình khắc phục cadimi đang triển khai thực hiện tại địa phương, kịp thời sơ, tổng kết và nhân rộng vào sản xuất, góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu chủ lực có lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Minh Trí (TTXVN)