Mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2025 quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tăng so với trước đây.
Mức hỗ trợ còn thấp
Những năm qua, việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ đầu tư trong bảo vệ và phát triển rừng đã mang lại nhiều kết quả tích cực: Số vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp đã giảm dần qua các năm. Trên địa bàn tỉnh không còn điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Công tác phát triển rừng cũng được chú trọng. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đến nay đạt gần 46%, tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, tổng diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh hơn 245.598ha. Trong đó, diện tích có rừng thuộc quy hoạch 3 loại rừng hơn 214.967ha (bao gồm: Gần 177.811ha rừng tự nhiên, hơn 33.501ha rừng trồng và 3.655ha đã trồng rừng nhưng chưa đạt tiêu chí thành rừng); diện tích có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng hơn 30.631ha (bao gồm: Gần 11,4ha rừng tự nhiên, hơn 28.833ha rừng trồng, hơn 1.786ha đã trồng rừng nhưng chưa đạt tiêu chí thành rừng).
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa đi kiểm tra trong rừng căm xe Ninh Tây.
Theo ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực song công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh áp dụng thời gian qua còn thấp. Đơn cử như đối với hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II, III) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, toàn tỉnh có 347 hộ nhận khoán bảo vệ hơn 9.578ha rừng tự nhiên, mức hỗ trợ là 400.000 đồng/ha/năm. Mức hỗ trợ này là rất thấp nên không thu hút được nhiều hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên, bởi theo lý giải của các hộ dân việc bảo vệ rừng rất khó khăn, vất vả, mức hỗ trợ này so với ngày công lao động hiện nay là rất thấp nên người dân không mặn mà tham gia.
Qua khảo sát, làm việc của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội với các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh cũng đã chỉ ra: Mức kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng 400.000 đồng/ha/năm; kinh phí bảo vệ rừng, hỗ trợ đầu tư và đặt hàng bảo vệ rừng đối với công ty lâm nghiệp mức 300.000 đồng/ha/năm; hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán, khuyến lâm mức 5 triệu đồng/ha là không phù hợp với thực tế, đặc thù công việc và nhu cầu cuộc sống của lực lượng tham gia bảo vệ rừng. Do mức kinh phí đang áp dụng thấp nên không thu hút, khuyến khích được các tổ chức, cá nhân và người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng, không thúc đẩy được phát triển rừng bền vững ở địa phương.
Tăng mức đầu tư, hỗ trợ
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, từ tháng 7-2024, khi Nghị định số 58/2024 của Chính phủ quy định về một số chính sách đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp có hiệu lực, kinh phí đầu tư, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp như: Bảo vệ rừng, hỗ trợ trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng… được tăng lên so với các mức áp dụng trước đây, phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng. Trên cơ sở thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 58, vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2025 quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối với khoán bảo vệ rừng đặc dụng rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ ngân sách nhà nước mức 500.000 đồng/ha/năm; tại các xã khu vực II, III là 600.000 đồng/ha/năm; tại vùng đất ven biển là 750.000 đồng/ha/năm và hỗ trợ chi phí lập hồ sơ lần đầu cho khoán bảo vệ rừng là 50.000 đồng. Kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng là 7% của tổng kinh phí chi cho công tác bảo vệ rừng hằng năm. Ngoài ra, đối tượng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực II, III nhận khoán bảo vệ rừng, phát triển rừng còn được hỗ trợ gạo trong thời gian chưa tự túc được lương thực.
Đối với rừng đặc dụng, ban quản lý rừng đặc dụng được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng là 150.000 đồng/ha/năm; tại các xã khu vực II, III là 180.000 đồng/ha/năm; tại vùng đất ven biển là 225.000 đồng/ha/năm trên toàn bộ diện tích rừng đặc dụng được giao, ngoài kinh phí hoạt động thường xuyên của bộ máy ban quản lý rừng. Đối với khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng thuộc quy hoạch rừng đặc dụng là 1 triệu đồng/ha/năm, ở vùng ven biển là 1,5 triệu đồng/ha/năm, thực hiện trong thời gian 6 năm. Đối với khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng rừng bổ sung thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, mức kinh phí là 2 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu, 1 triệu đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo…
Đối với rừng phòng hộ, ban quản lý rừng phòng hộ được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng là 500.000 đồng/ha/năm; khu vực II, III là 600.000 đồng/ha/năm; vùng đất ven biển là 750.000 đồng/ha/năm trên toàn bộ diện tích rừng phòng hộ được giao. Ban quản lý rừng đặc dụng được cấp kinh phí bảo vệ rừng là 150.000 đồng/ha/năm, tại các xã khu vực II, III là 180.000 đồng/ha/năm, tại vùng đất ven biển là 225.000 đồng/ha/năm trên toàn bộ diện tích rừng phòng hộ được giao. Doanh nghiệp nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, đơn vị lực lượng vũ trang được giao rừng, tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng là 500.000 đồng/ha/năm; khu vực II, III là 600.000 đồng/ha/năm; vùng đất ven biển là 750.000 đồng/ha/năm trên toàn bộ diện tích rừng phòng hộ được giao. UBND cấp xã đang quản lý diện tích rừng phòng hộ chưa giao, chưa cho thuê được Nhà nước cấp kinh phí quản lý, bảo vệ rừng là 150.000 đồng/ha/năm; tại các xã khu vực II, III là 180.000 đồng/ha/năm; tại vùng đất ven biển là 225.000 đồng/ha/năm trên toàn bộ diện tích rừng phòng hộ được giao. Đối với khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung rừng phòng hộ mức kinh phí đầu tư tương tự rừng đặc dụng.
Đối với mức hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng, các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, UBND cấp xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng là 150.000 đồng/ha/năm; tại các xã khu vực II, III là 180.000 đồng/ha/năm; tại vùng đất ven biển là 225.000 đồng/ha/năm trên toàn bộ diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao. Doanh nghiệp nhà nước được giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên trước ngày 1-1-2019; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức kinh tế (trực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên sẽ được cấp kinh phí bảo vệ rừng mức 500.000 đồng/ha/năm; khu vực II, III là 600.000 đồng/ha/năm; vùng đất ven biển là 750.000 đồng/ha/năm trên toàn bộ diện tích rừng được giao… Ngoài ra, mức hỗ trợ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất là rừng tự nhiên áp dụng là 8 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, Nghị quyết của HĐND tỉnh còn có các quy định liên quan đến các mức: Hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm nghiệp ngoài gỗ; hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; hỗ trợ đầu tư cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; hỗ trợ trồng cây phân tán.
HẢI LĂNG