Tăng mức giảm trừ gia cảnh: Đừng để vừa áp dụng đã lỗi thời

Tăng mức giảm trừ gia cảnh: Đừng để vừa áp dụng đã lỗi thời
một ngày trướcBài gốc
Tại dự thảo tờ trình Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để trình cấp có thẩm quyền xem xét các quyết định.
Cụ thể, phương án 1, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 13,3 triệu đồng/tháng (159,6 triệu đồng/năm). Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng.
Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (Ảnh minh họa: KT)
Phương án 2, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 15,5 triệu đồng/tháng (186 triệu đồng/năm). Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 6,2 triệu đồng/tháng.
Theo tính toán sơ bộ, với việc nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng lên 13,3 - 15,5 triệu đồng/tháng. Với người phụ thuộc, mức giảm trừ gia cảnh hiện bằng khoảng 40% mức áp dụng với người nộp thuế, đề xuất tăng từ 4,4 triệu đồng lên 5,3 - 6,2 triệu đồng/tháng. Như vậy, cá nhân có thu nhập khoảng 23 - 27 triệu đồng/tháng, có 2 người phụ thuộc sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Chưa theo kịp áp lực chi tiêu thực tế
Đề xuất này hiện nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận và giới chuyên gia. Nhiều người lao động và chuyên gia cho rằng, đây là bước tiến tích cực nhưng vẫn chưa theo kịp áp lực chi tiêu thực tế, nhất là tại các đô thị lớn.
Chị Nguyễn Thanh Hiền, nhân viên ngân hàng (ở phường Bạch Mai, Thành phố Hà Nội) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh áp dụng hiện nay là quá thấp trong khi giá cả leo thang, người thu nhập ở mức trung bình đã phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc lẽ ra nên được tiến hành sớm hơn để người lao động đỡ thiệt thòi.
“Tôi hy vọng mức giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc được nâng lên theo phương án 2 hoặc thậm chí là cao hơn để giảm áp lực chi tiêu cho người lao động, đặc biệt tại khu vực đô thị. Như gia đình tôi hiện nay 2 vợ chồng và 2 đứa con đang tuổi đi học, mức chi tiêu bình quân cũng phải 30 triệu đồng/tháng”, chị Hiền chia sẻ.
Giá cả leo thang, nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đang lạc hậu so với thực tế. (Ảnh minh họa)
Tương tự, chị Dương Mai Linh, phụ trách nhân sự của một công ty tài chính (ở phường Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng, với tình hình hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc nên được nâng lên hơn nữa.
“Mức đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 13,3 - 15,5 triệu đồng vẫn chưa phản ánh đầy đủ thực tế thu nhập và chi phí sinh hoạt hiện nay. Mức này ở khu vực nông thôn hay các tỉnh xa có thể đủ, thậm chí là khá thoải mái nhưng ở thành phố lớn thì không thể đủ. Với áp lực chi tiêu, sinh hoạt hiện tại, người lao động khó có thể nghĩ đến chuyện tích lũy khi mà còn phải chi trả thêm một khoản thuế thu nhập cá nhân không hề nhỏ”, chị Dương Mai Linh bày tỏ.
Tránh lạc hậu ngay khi áp dụng
Trao đổi với PV Báo điện tử Tiếng nói Việt Nam, TS. Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia thuế đánh giá, dự thảo lần này không chỉ tính toán trên CPI, các phương án của Bộ Tài chính còn tính đến tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng GDP bình quân đầu người cho thấy sự đổi mới, thể hiện sự cầu thị rất tích cực, lắng nghe ý kiến của chuyên gia, dư luận xã hội của cơ quan soạn thảo.
Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đủ để bù đắp những khó khăn kéo dài mà người làm công ăn lương đã trải qua. Bởi trong suốt 5 năm qua, người làm công ăn lương, nhóm đóng thuế ổn định nhất lại là nhóm gần như không nhận được chính sách hỗ trợ nào về thuế. Trong khi đó, nền kinh tế đã trải qua nhiều cú sốc lớn, từ đại dịch COVID-19 đến thiên tai, giá cả leo thang,...
TS. Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia thuế
“Trong giai đoạn 2019-2022, dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp được hỗ trợ bằng chính sách miễn giảm, giãn thuế, còn người làm công ăn lương gần như không có gì. Họ vẫn đóng thuế đều, trong khi chi phí y tế, giáo dục, sinh hoạt… đều tăng cao. Nếu tiếp tục duy trì mức giảm trừ như hiện nay, thì nhóm này rõ ràng đang thiệt thòi”, TS. Nguyễn Ngọc Tú nhận định.
Vị chuyên gia đề xuất mức giảm trừ gia cảnh cần nâng lên 18 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế, và 9 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc. Đây là mức tiệm cận hơn với chi tiêu thực tế của người lao động, đặc biệt tại khu vực thành thị, nơi chi phí sinh hoạt đã tăng đáng kể so với giai đoạn trước năm 2020.
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh tại phương án 2 có thể phù hợp với thực tế của năm 2025-2026, nhưng nhắc lại trường hợp năm 2020, khi mức giảm trừ mới được điều chỉnh lên 11 triệu đồng/tháng. Ngay thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã nhận định mức mới vẫn chưa theo kịp thực tế.
“Liệu lịch sử có lặp lại, khi mức giảm trừ vừa được ban hành đã trở nên lạc hậu ngay tại thời điểm áp dụng?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Theo ông Tuấn, nhiều ý kiến từng đề xuất gắn mức giảm trừ gia cảnh với lương tối thiểu vùng để đảm bảo tính cập nhật, linh hoạt theo từng năm. Tuy nhiên, cách làm này hiện chưa được lựa chọn, dù có tính thực tiễn cao, bởi mức lương tối thiểu vùng thay đổi theo từng năm. Do đó, nếu vẫn tiếp tục áp dụng cơ chế mức giảm trừ cố định thì cần tính toán trước cho cả chu kỳ 5 năm.
“Chúng ta đang chờ đợi không chỉ là một mức giảm trừ mới mà là viễn cảnh sau khi áp dụng chính sách. Bởi lẽ, theo quy trình hiện nay, phải sau 5 năm thì mức giảm trừ gia cảnh mới được xem xét điều chỉnh một lần. Ngay từ bây giờ, tại sao không cân nhắc một mức giảm trừ để người nộp thuế không cảm thấy thiệt thòi suốt cả giai đoạn 5 năm áp dụng?”, ông Tuấn nêu quan điểm.
.
Do đó, ông Tuấn đề xuất mức giảm trừ gia cảnh khoảng 17 triệu đồng/tháng, thay vì 15,5 triệu đồng như đề xuất cao nhất hiện nay. Theo tính toán, mức này sẽ tương đối hợp lý cho cả giai đoạn 2026-2030.
“Cách làm này tạo sự công bằng cho tất cả. Thu đúng, thu đủ sẽ tạo động lực cho người dân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, cũng như tin tưởng vào chính sách của Nhà nước. Ngoài ra, việc tăng thu nhập thực tế cũng giúp người dân tăng chi tiêu, góp phần phát triển kinh tế tiêu dùng và tăng nguồn thu thuế khác”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đề nghị áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2025
Một điểm quan trọng khác được quan tâm đó là thời điểm áp dụng. Theo dự thảo, chính sách giảm trừ gia cảnh mới được đề xuất áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nên áp dụng sớm hơn, ngay từ năm 2025.
“Về mặt kỹ thuật, thuế thu nhập cá nhân của năm 2025 đến tháng 4/2026 mới quyết toán. Như vậy, việc điều chỉnh mức giảm trừ áp dụng cho năm 2025 là hoàn toàn khả thi, không gặp trở ngại gì trong tổ chức thực hiện”, TS. Nguyễn Ngọc Tú phân tích.
Ông cũng dẫn chứng thêm rằng trong 6 tháng đầu năm 2025, theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu từ thuế thu nhập cá nhân đã đạt gần 70% dự toán cả năm. Do đó, việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh ngay từ năm 2025 sẽ không gây áp lực đáng kể đến thu ngân sách.
Không chỉ thuận lợi về kỹ thuật và nguồn thu, việc áp dụng sớm còn có ý nghĩa lớn về mặt tâm lý và xã hội.
“Người lao động đã chờ đợi quá lâu rồi. Nếu tiếp tục trì hoãn đến năm 2026 thì thêm một năm nữa người lao động phải ‘thắt lưng buộc bụng’. Việc điều chỉnh ngay sẽ là một tín hiệu tốt, động lực tinh thần quan trọng, giúp họ yên tâm đóng thuế, tiếp tục lao động và cống hiến ”, ông Tú nhấn mạnh.
Cẩm Tú/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/tang-muc-giam-tru-gia-canh-dung-de-vua-ap-dung-da-loi-thoi-post1217429.vov