Đại biểu Lê Thị Song An, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH Long An. Ảnh: LV
Đại biểu Lê Thị Song An, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH Long An
Tăng mức phạt tù với những hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng
Như chúng ta đã biết, gần đây theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vụ việc nói về hàng kém chất lượng đưa ra thị trường. Đặc biệt, các sản phẩm này ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Chính phủ đề xuất trong Bộ Luật hình sự (sửa đổi) là tăng mức phạt tù với những hành vi như vậy. Điều này đã được sự đồng thuận của cử tri cũng như các Đại biểu Quốc hội, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp có sự công bằng: Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng chân chính sẽ phát huy được mặt tích cực. Đồng thời, mức phạt này có tính răn đe với những doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng kém chất lượng, mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Các doanh nghiệp được khuyến khích thực hiện nhiệm vụ đưa sản phẩm chất lượng ra thị trường tốt hơn, tạo được sự đồng thuận doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang lại lòng tin cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH Hải Dương. Ảnh: LV
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH Hải Dương
Xem xét các chế tài đã đảm bảo sức răn đe hay chưa
Vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường trong thời gian qua gây bức xúc dư luận. Đây là vấn đề nhức nhối.
Các cơ quan chức năng đã triệt phá, bóc gỡ, phát hiện nhiều đường dây lưu thông, buôn bán hàng giả, nhái và kém chất lượng. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải rà soát toàn bộ quy định pháp luật xem còn kẽ hở nào để các đối tượng lợi dụng hay không. Tiếp đó, các chế tài đã đảm bảo sức răn đe hay không trước hiện tượng vi phạm tràn lan trong thời gian qua. Đây là loại tội phạm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng người dân cần được xử lý triệt để.
Trước thực trạng này, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV xem xét sửa đổi một số luật nhằm ngăn chặn thực trạng này.
Ví dụ, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó, đưa phần trách nhiệm của những người có ảnh hưởng đối với công chúng trong việc đứng ra quảng bá sản phẩm. Trước đó, Luật chưa quy định trách nhiệm của người truyền tải thông tin về sản phẩm.
Bộ Luật hình sự sửa đổi một cách toàn diện, tăng chế tài phạt tù, chế tài xử lý phạt tiền. Đây là một động thái cần thiết và siết chặt các quy định của pháp luật, tương ứng với những tội danh có tác động xấu đến xã hội nói chung cũng như sức khỏe, tính mạng con người nói riêng. Trước tình trạng loại tội phạm dường như ngày đang gia tăng trong xã hội thì việc điều chỉnh hình phạt để đảm bảo tính răn đe là rất cần thiết.
Trong vụ việc gần đây, như chúng ta đã biết, sản phẩm đưa ra thị trường đã được tiêu thụ một thời gian dài, các cơ quan chức năng mới phát hiện ra. Điều đó cho thấy hai vấn đề:
Các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để phạm tội. Vì vậy, khi chúng ta cần sửa ngay từ mặt thể chế và rà soát các quy định của pháp luật sẽ khép chặt lại những hành vi trên.
Với những quy định pháp luật đã có, nhưng vì sao những nhóm sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại và hoạt động thời gian dài. Điều này cho thấy khâu thực thi chính sách pháp luật có vấn đề. Chúng ta cần rà soát lại đối tượng thực thi chính sách pháp luật xem mức độ nghiêm minh và thực thi có đúng hay không.
Đến nay, cơ quan chức năng đã bắt giữ một số đối tượng có chức trách đã vi phạm khi thực thi chính sách pháp luật. Trong đó, có đối tượng lơ là công vụ dẫn tới tội phạm lợi dụng kẽ hở này để hoạt động mà không bị phát hiện; nặng hơn, có đối tượng thực thi chính sách pháp luật đã đồng lõa và tiếp tay. Các đối tượng này biết rõ các quy định pháp luật, hình phạt, thậm chí nếu lơ là tiếp tay cho tội phạm sẽ có tác động xấu tới cộng đồng, đặc biệt với hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH Đồng Tháp. Ảnh: LV
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBHQ Đồng Tháp
Có trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan
Trách nhiệm với vấn nạn về hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng thuộc về hai bộ: Y tế và Công Thương.
Chính phủ đã phân công rất rõ việc này, Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương kiểm tra về hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hàng lậu. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt các thành phố lớn. Các đối tượng vi phạm là những người có danh tiếng, triển vọng đã tiếp tay quảng cáo, quảng bá sản phẩm hàng hóa này. Mặt khác, những nơi kinh doanh sản phẩm lại ở các thành phố lớn, có sự đầu tư sản xuất lớn.
Tôi thống nhất với chủ trương chuyển từ tư duy tiền kiểm sang hậu kiểm với các sản phẩm hàng hóa. Trước tiên, đơn vị đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về sản phẩm hàng hóa của mình trước khi lưu thông trên thị trường. Quảng bá, nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm đúng như đăng ký kinh doanh với Nhà nước và chịu trách nhiệm hoàn toàn về sản phẩm của mình cũng như quảng cáo cho sản phẩm.
Cơ quan quản lý Nhà nước cho phép đăng ký kinh doanh phải phối hợp hậu kiểm. Ví dụ như vấn đề sữa giả. Khi cho đăng ký mặt hàng sữa thì hậu kiểm phải kiểm tra được chất lượng sản phẩm sữa có đạt yêu cầu hay không.
Việc hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị bắt mới đây cho thấy đối tượng là nhân vật nổi tiếng, nhiều người hâm hộ, ca tụng nhưng về mặt đạo đức lại kém. Họ đã tiếp tay cho những đối tượng làm hàng giả. Cơ quan điều tra đã kịp thời vào cuộc xử lý vụ việc vừa đảm bảo an toàn cho người dân, phòng ngừa nghiêm trị những đối tượng khác, đồng thời, trả lại lòng tin cho người tiêu dùng.
Nếu tăng cường kiểm tra, quản lý và thực hiện nghiêm thì những hành vi sai trái không thể lọt được. Việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo cho người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng sản phẩm hàng hóa mới phù hợp lẽ thường tình.
Còn với những đối tượng tiếp tay cho các hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nếu nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhẹ thì phạt hành chính. Với công chức, viên chức liên quan vụ việc nên cho thôi việc.
Lê Vân/Báo Tin tức và Dân tộc