Tăng mức phạt vi phạm giao thông tối đa lên 150 triệu: Cần nghiên cứu kỹ, tính đến thu nhập của người dân

Tăng mức phạt vi phạm giao thông tối đa lên 150 triệu: Cần nghiên cứu kỹ, tính đến thu nhập của người dân
7 giờ trướcBài gốc
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (khai mạc từ ngày 5-5).
Tại dự luật, Chính phủ đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa so với quy định hiện hành trong một số lĩnh vực. Trong đó, tăng mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm của cá nhân trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng.
Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp tục nghiên cứu và có đề xuất phù hợp.
Trên cơ sở đó, PLO ghi nhận ý kiến của người dân, chuyên gia liên quan đến đề xuất trên của Chính phủ.
Dự thảo sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa lĩnh vực vi phạm giao thông đường bộ từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng. Ảnh: PHI HÙNG
ThS NGUYỄN NHẬT KHANH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM:
Nằm trong giới hạn mức trần tiền phạt được luật cho phép
Phạt tiền là hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu trong xử phạt vi phạm hành chính. Hình thức xử phạt này tước đi một khoản lợi ích vật chất của chủ thể vi phạm nên có giá trị răn đe, trừng trị và phòng ngừa vi phạm.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020, 2022), mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50 ngàn đồng đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân, từ 100 ngàn đồng đến 2 tỉ đồng đối với tổ chức. Đây là mức trần giới hạn tiền phạt chung, tùy thuộc vào từng lĩnh vực sẽ có giới hạn mức trần tiền phạt tối đa.
Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, điểm d khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020, 2022) quy định mức phạt tiền cao nhất được quy định đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là 75 triệu đồng (đối với cá nhân), 150 triệu đồng đối với tổ chức. Đây là mức trần khống chế của Luật đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, do vậy khi Chính phủ ban hành Nghị định để quy định về xử phạt trong lĩnh vực này thì mức phạt cao nhất bị giới hạn bởi mức trần nêu trên. Không có vi phạm nào được quy định mức tiền phạt vượt quá giới hạn này.
Về nguyên tắc, việc tăng gấp đôi mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo đề xuất của Chính phủ nằm trong giới hạn trần tiền phạt được Luật XLVPHC cho phép nên không có gì trái quy định.
Vấn đề đặt ra được dư luận quan tâm là vì sao nhà làm luật lại tăng gấp đôi mức trần tiền phạt ? Cá nhân tôi cho rằng thay đổi này xuất phát từ 2 lý do:
Thứ nhất là Nhà nước muốn tăng mức tiền phạt đối với vi phạm hành chính về giao thông đường bộ để tăng tính răn đe - từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Luận điểm này được củng cố từ việc đánh giá hiệu quả giảm thiểu vi phạm hành chính từ việc tăng tiền phạt đối với một số hành vi phổ biến như vi phạm quy định về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ…;
Thứ hai có lẽ từ việc trượt giá của tiền mặt do ảnh hưởng của lạm phát, tuy nhiên đây là lý do thứ yếu.
Luật sư - ThS ĐẶNG THỊ THÚY HUYỀN, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Cần tính đến ngưỡng thu nhập của người dân
Thực tế hiện nay với nhiều lỗi vi phạm, dù đã có mức xử phạt rất cao quy định bởi Nghị định 168/2024 nhưng một bộ phận người tham gia giao thông vẫn có dấu hiệu “nhờn luật”. Cho nên, có thể hiểu lý do vì sao Chính phủ lại có đề xuất như vậy tại dự luật.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và công bằng xã hội, cần xây dựng hệ thống mức phạt đa tầng, có tính đến ngưỡng thu nhập của người dân, hoàn cảnh vi phạm và khả năng thực thi của lực lượng chức năng. Đồng thời, Nhà nước cần đưa ra lý do và cơ sở cụ thể, thỏa đáng để tăng mức phạt tối đa lên theo đề xuất nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Mức phạt 150 triệu đồng chỉ nên áp dụng cho “hành vi đặc biệt nghiêm trọng”, có nguy cơ cao gây thiệt hại về người và tài sản. Đối với các vi phạm thông thường, cần có mức phạt phù hợp tránh biến pháp luật thành gánh nặng kinh tế, gây ra phản ứng tiêu cực trong xã hội.
Luật sư ĐẬU ĐỨC NINH, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương:
Tăng quá cao mà không kiểm soát có thể gây tiêu cực
Tôi cho rằng mức phạt tăng đến đâu thì phải nghiên cứu thật sự kỹ lưỡng, phải đảm bảo dân đóng phạt được, không gây tiêu cực trong nhân dân.
Theo công bố của Tổng cục thống kê kinh tế-xã hội Quý 4/2024, mức thu nhập bình quân của lao động Việt Nam năm 2024 là 7,7 triệu đồng/tháng. Do đó, đối với mức phạt tăng gấp đôi như dự thảo đề xuất nhiều khả năng sẽ gây lo lắng cho người dân.
Mặc khác, nếu tăng phạt quá cao mà không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến trường hợp bỏ phương tiện tại bãi, hoặc tạo cơ hội cho các hành vi tiêu cực giữa người vi phạm và người xử phạt. Do đó, mức phạt cao chỉ hiệu quả khi áp dụng nghiêm minh, đảm bảo bám sát tình hình kinh tế của nước ta và khả năng kinh tế của người dân hiện nay.
Đồng thời, việc tuyên truyền rộng rãi quy định pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay thay vì chỉ tập trung vào phạt tiền.
Luật sư TRƯƠNG NGỌC LIÊU, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Phải có cơ sở khoa học và tính toán thận trọng
Tôi cho rằng đề xuất tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực là cần thiết trong bối cảnh lạm phát hiện nay và nhằm mục đích nâng cao ý thức chấp hành quy định khi tham gia giao thông của người dân. Tuy nhiên, tăng như thế nào để vừa nâng cao ý thức giao thông của người dân, vừa đảm bảo khả năng chấp hành quyết định xử phạt hành chính (túi tiền của người dân) là điều mà các cơ quan chức năng phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Mức lương cơ sở hiện nay là 2,34 triệu đồng và thu nhập bình quân trên đầu người tại Việt Nam năm 2024 là khoảng 7,7 triệu đồng. Như vậy, mức phạt tối đa theo đề xuất (150 triệu đồng) sẽ gấp khoảng 64 lần mức lương cơ sở, gần 20 lần thu nhập bình quân đầu người. Trong khi đó, trong lĩnh vực dân sự, liên quan đến chế định bồi thường thiệt hại do bị tổn thất tinh thần, mức tối đa chỉ đến 100 tháng lương cơ sở (234 triệu đồng) khi tính mạng bị xâm phạm.
Qua sự so sánh trên, có thể thấy con số 150 triệu đồng đồng không phải là một con số nhỏ, nếu không muốn nói là rất lớn đối với đa số người dân. Vì vậy, để đảm bảo quy định của pháp luật có thể đi vào thực tiễn đời sống, phát huy được hiệu quả của một trong những công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội, thì cơ quan đề xuất phải có những lý giải thỏa đáng, được chứng minh bằng những căn cứ, cơ sở khoa học của việc đề xuất mức phạt mới này. Trường hợp, qua nghiên cứu, tiếp thu từ góc nhìn lý luận và cả góc nhìn thực tiễn cho thấy mức tăng trên không hợp lý, thì có thể để xuất điều chỉnh cho phù hợp.
Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Cần tăng cường xử lý vi phạm
Mức xử phạt hiện nay đã tương đối cao, nếu tăng nữa sẽ không phù hợp với khả năng nộp phạt của người dân.
Theo tôi, mức phạt cao không đi đôi với việc chấp hành nghiêm túc luật lệ giao thông của người dân mà Nghị định 168/2024 là một ví dụ điển hình.
Thời gian đầu khi triển khai Nghị định 168/2024, tình hình tai nạn giao thông giảm rõ rệt; ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao; văn hóa tham gia giao thông từng bước được hình thành và duy trì thường xuyên.
Tuy nhiên, gần đây, một bộ người dân tham gia giao thông có dấu hiệu không chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, mặc dù biết các chế tài xử phạt đã được tăng nặng theo Nghị định 168/2024. Tại các thành phố lớn, các nút giao thông thường xuyên xảy ra hành vi vượt đèn đỏ, lấn làn đường, đi ngược chiều, không đứng đúng vạch kẻ đường. Tình trạng người tham gia giao thông đi lên vỉa hè xuất hiện thường xuyên, khiến người đi bộ gặp không ít khó khăn khi phải nhường đường trên chính vỉa hè dành cho người đi bộ.
Cá nhân tôi cho rằng, việc răn đe không nhất thiết phải phạt nặng, đơn cử như các mức hình phạt đối với các tội phạm liên quan đến ma túy có mức phạt rất cao, kể cả có hình phạt tử hình nhưng thực tế vẫn còn nhiều tội phạm bất chấp, thậm chí rất manh động thực hiện hành vi đến cùng. Thế nên không phải vấn đề là tăng mức phạt mà là cần tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm hơn nữa, thay vì chỉ thực hiện mạnh theo từng đợt.
Anh ĐINH XUÂN QUỐC, tài xế xe công nghệ tại TP.HCM:
Những trường hợp như đua xe, lạng lách, cố tình vượt đèn đỏ thì phải xử thật nghiêm, có thể phạt nặng để răn đe. Nhưng cũng có khi người dân vi phạm vì hoàn cảnh, do thiếu hiểu biết hay sơ suất nhỏ. Nếu mức phạt quá cao, người lao động dễ bị đẩy vào cảnh kiệt quệ.
Theo tôi, điều quan trọng không chỉ là tăng mức phạt, mà là phân loại rõ ràng mức độ vi phạm và đối tượng áp dụng.
Chị TRẦN THỊ LÀNH, công nhân tại Đồng Nai:
Tăng để răn đe là cần thiết, nhưng nếu răn đe đến mức người dân không thể nộp nổi thì lại phản tác dụng. Luật là để điều chỉnh hành vi, nhưng phải dựa vào thực tế đời sống. Người dân không phản đối việc xử phạt, nhưng cần minh bạch, hợp lý, có tính giáo dục thay vì chỉ đặt nặng hình phạt.
Ông HOÀNG CÔNG HIÊN, người dân sống tại Biên Hòa, Đồng Nai:
Tôi cho rằng việc tăng mức phạt nếu muốn công bằng và hiệu quả thì cần gắn liền với điều kiện hạ tầng và tổ chức giao thông.
Không thể chỉ tăng phạt mà không cải thiện hệ thống biển báo, vạch đường, đèn tín hiệu. Nhiều tuyến đường hiện nay biển báo mờ, khuất tầm nhìn hoặc bố trí bất hợp lý, khiến tài xế dễ vi phạm dù không cố ý. Khi đặt ra mức phạt cao, Nhà nước cũng cần song hành với trách nhiệm nâng cấp hạ tầng và tổ chức giao thông một cách minh bạch, hợp lý.
Giao thông là câu chuyện hai chiều – người dân chấp hành luật, còn cơ quan quản lý cũng phải đảm bảo điều kiện để dân thực hiện đúng.
TUẤN ANH - SONG MAI
Nguồn PLO : https://plo.vn/tang-muc-phat-vi-pham-giao-thong-toi-da-len-150-trieu-can-nghien-cuu-ky-tinh-den-thu-nhap-cua-nguoi-dan-post847841.html