Nghị định mới áp dụng các mức xử phạt cao hơn đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ, với kỳ vọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh.
Theo Nghị định số 168, các hành vi như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lái xe trên vỉa hè, vi phạm nồng độ cồn đều bị tăng mức phạt đáng kể. Chẳng hạn, hành vi vượt đèn đỏ có thể bị phạt lên đến 20 triệu đồng. Nghị định còn áp dụng hệ thống trừ điểm giấy phép lái xe đối với các vi phạm, tạo thêm áp lực để người lái xe tuân thủ luật giao thông.
Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra phương tiện vận tải hành khách. Ảnh: MẠNH HƯNG
Nghị định số 168 được ban hành và có hiệu lực đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng xã hội. Nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình, cho rằng các biện pháp mạnh tay này sẽ giúp giảm thiểu vi phạm và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lo ngại về khả năng thích ứng của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp trước các mức phạt rất cao.
Theo các chuyên gia, việc tăng mức xử phạt là cần thiết trong bối cảnh ý thức chấp hành luật giao thông còn hạn chế. Mức phạt cao sẽ có tính răn đe mạnh mẽ, buộc người tham gia giao thông phải tuân thủ quy định, từ đó giảm thiểu tai nạn và bảo đảm an toàn giao thông.
Có thể thấy rõ, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP với các quy định chặt chẽ và mức xử phạt tăng cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và ý thức tự giác của mỗi người dân khi tham gia giao thông. Công tác tuyên truyền cho nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời, song song với các biện pháp hành chính.
Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra, kiểm soát thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông. Ảnh HUYỀN TRANG
Đi đôi với việc triển khai thực hiện nghiêm các quy định, cơ quan chức năng cần nâng cấp, bảo đảm hệ thống kỹ thuật phát hiện các hành vi vi phạm chuẩn xác, kịp thời. Mọi đối tượng phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” mới tạo được tính răn đe, nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các thế lực thù địch không có cơ hội để kích động, “không có đất” để chống phá. Qua đó bảo vệ quan điểm, đường lối, nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống an toàn, bình yên của nhân dân.
Quan trọng hơn, cùng với thực thi quy định, cần có giải pháp đồng bộ, tăng cường tuyên truyền về văn hóa giao thông với các giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài, nhất là cho thế hệ trẻ, thế hệ đang ngồi trên ghế nhà trường. Phải làm cho ý thức giao thông trở thành văn hóa của người Việt Nam. Muốn làm được điều đó, cha mẹ, thầy cô, người lớn phải làm gương cho con trẻ. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải thường xuyên, đa dạng, mọi lúc, mọi nơi; phải là cái đích tốt đẹp để mọi người cùng hướng tới. Để việc chấp hành quy định về an toàn giao thông trở thành nét văn hóa của người Việt Nam.
HUY PHONG