Một phiên livestream bán kẹo Kera do Quang Linh và Hằng Du mục thực hiện.
Kiếm tiền tỷ, phạt “phủi bụi”
Vài ngày qua, video MC Thanh Vân Hugo quảng cáo sữa được cho là “thổi phồng công dụng” lan truyền trên mạng xã hội. Trong video này, nữ MC tươi cười cầm hộp sữa, khẳng định rằng, các bé dùng sản phẩm sẽ tăng chiều cao từ 1-2 cm mỗi tháng và từ 3-5 cm sau 3 tháng. MC này đã lên tiếng xin lỗi người dùng.
Trước đó, hàng loạt nghệ sỹ nổi tiếng như Doãn Quốc Đam, Quyền Linh, biên tập viên Quang Minh... lần lượt lên tiếng xin lỗi sau khi bị chỉ trích vì quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng, phóng đại công dụng hoặc liên quan đến các thương hiệu bị điều tra, xử lý.
Những ngày qua, sữa giả trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt trong xã hội sau khi Bộ Công an thông tin về vụ án sản xuất, buôn bán sữa giả tại Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Cơ quan chức năng xác định, đường dây do các bị can điều hành đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai, với số tiền thu lợi gần 500 tỷ đồng.
Liên quan đến quảng cáo hàng giả, trong tháng 4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Sản xuất hàng giả” xảy ra tại Công ty Asia Life và Công ty Chị Em Rọt ở TP.HCM và Đắk Lắk. Trong đó, cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Asia Life; Lê Tuấn Linh, Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt; Lê Thành Công, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt.
Cùng với đó, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs), thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt và Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du mục), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt.
Được biết, một phiên livestream bán hàng độc quyền trên TikTok của Hằng Du mục có giá 325 triệu đồng cho 2 giờ phát sóng. Ngoài ra, nhãn hàng còn phải chi thêm 15% hoa hồng trên doanh thu thu được từ phiên livestream này. Còn Quang Linh Vlogs báo giá 770 triệu đồng cho gói 3 phiên livestream trong vòng một tháng, chưa kể phần trăm hoa hồng bán hàng từ sản phẩm.
Thông thường, nếu livestream ở quy mô lớn (Mega live), doanh thu tiền tỷ là chuyện bình thường. Đơn cử, sản phẩm kẹo rau củ Kera mà Quang Linh Vlogs và Hằng Du mục quảng cáo sai sự thật thu về khoảng 20 tỷ đồng doanh thu. Trong khi đó, mức phạt cho hai KOL quảng cáo sai sự thật chỉ dừng lại ở con số 70 triệu đồng/người.
“Với tần suất nhiều phiên livestream mỗi tháng, doanh thu hàng năm của các KOL này là rất lớn. Vì vậy, việc họ sẵn sàng chấp nhận quảng cáo sai sự thật, rồi nộp phạt là điều hoàn toàn có thể dự đoán trước”, ông Nguyễn Duy Vĩ, CEO Buzi Agency nhận xét và cho rằng, chế tài xử phạt KOL, KOC chưa đủ mạnh.
Sửa luật tăng nặng và mở rộng hình phạt
Theo Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt từ 60-80 triệu đồng đối với cá nhân và gấp 2 lần đối với tổ chức. Trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng, nghệ sỹ, KOL, KOC có thể bị phạt cải tạo không giam giữ lên đến 3 năm hoặc phạt tiền từ 10-100 triệu đồng nếu tái phạm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, mức phạt này chưa đủ sức răn đe.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang đề xuất các biện pháp chế tài nặng hơn đối với vi phạm quảng cáo sai sự thật vào Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, phiên bản mới nhất. Ngoài việc mức phạt hành chính tăng lên, tùy theo mức độ nghiêm trọng gây ra cho xã hội, KOL, KOC, nghệ sỹ có thể phải đối mặt với các hình thức xử lý bổ sung.
Đối với các giáo sư, tiến sỹ…, có thể bị tước học hàm, học vị đã được phong tặng. Các nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu như nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ nhân dân... có thể bị tước danh hiệu để răn đe và tạo hiệu ứng tẩy chay từ xã hội. Đối với các nghệ sỹ, diễn viên, các biện pháp như cấm biểu diễn, cấm tham gia các dự án phim có thể được áp dụng. Thêm vào đó, họ còn có thể bị cấm quảng cáo dưới bất kỳ hình thức nào.
Cuối cùng, tùy thuộc vào mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xem xét đến khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, trường hợp nghệ sỹ, KOL, KOC, nghệ sỹ nhận hợp đồng quảng cáo hàng tỷ đồng, thì việc bị xử phạt số tiền trăm triệu đồng cũng không khiến họ lo lắng. Để xử lý tình trạng này, cơ quan chức năng sẽ tham mưu ban hành quy định xử phạt mới, tăng mức tiền phạt, cũng như hình phạt bổ sung với hành vi vi phạm trên không gian mạng để tăng sức răn đe.
Theo ông Lê Hải Bình, Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, những người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật có thể bị hạn chế hoạt động nghệ thuật hoặc xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội. Bộ đang tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Mức xử phạt dự kiến tăng nặng hơn, nhất là sẽ có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng.
Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa có văn bản yêu cầu Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Y tế xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo sữa, thực phẩm trên đài phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, nền tảng số có kết nối Internet theo thẩm quyền được phân công, trên cơ sở hành vi vi phạm đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định. Đồng thời, kiểm tra hoạt động quảng cáo sữa, thực phẩm trên các kênh, chương trình chuyên quảng cáo đã được cấp phép.
Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng và nền tảng số…
Tú Ân