Lệ của phụ huynh là cứ đến ngày lễ, tết, nhất là dịp 20/11 kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam là tặng quà giáo viên. Vẫn biết đó là văn hóa, nhưng ở nhiều chi hội những món quà ngày càng được lượng hóa theo hướng thực dụng hơn. Có những thành viên chi hội phụ huynh mà tôi biết nói rằng, những phần quà họ dành cho giáo viên lên tới một vài triệu đồng. Một lớp có mười mấy giáo viên, cứ nhân lên số tiền ấy không hề nhỏ. Nhiều phụ huynh cho rằng, giá trị của quà vật chất sẽ nói thay tình cảm của người tặng. Có đúng là như thế không?
Một giáo viên chủ nhiệm ở một trường THPT đã viết gửi tôi những dòng chữ rất cảm động rằng: ... “Lại sắp đến 20/11, rồi lại tràn ngập trong hoa và quà tặng. Những thứ ấy quen quá rồi, nhiều khi cả mình và phụ huynh đều đưa và nhận như một thứ nghĩa vụ. Nhớ có lần một học sinh cũ nhắn tin với nội dung rằng: Thầy ơi, hôm qua em có nhắn tin chúc mừng thầy, mà cứ nghĩ em bấm gửi rồi nhưng không thấy thầy trả lời. Hôm nay, check lại mới biết em chưa gửi. Em thành thật xin lỗi thầy.
Nhân Ngày 20/11 chúc thầy luôn vui vẻ, mạnh khỏe, bình an và luôn giữ vững ngọn lửa tâm huyết với nghề thầy nhé. Em còn kỳ công làm một video với những tấm ảnh hai thầy trò từng chụp chung kèm lời chúc mừng thật đặc biệt. Cũng học trò ấy, mới đây thôi còn nhắn tin hỏi thăm thầy và “khoe” rằng, em vừa nhận được một giải thưởng trong một cuộc thi tiếng Anh ở trường đại học. Em kể thêm, để có được phần thưởng ấy, em đã phải nỗ lực rất nhiều và là nhờ thầy truyền cảm hứng để có thêm động lực dự thi. Tôi thật hạnh phúc khi đọc được những tâm sự ấy và biết rằng nó chân thành và giá trị, có cảm giác hơn cả những bó hoa, chiếc phong bì quà tặng và những lời nói khách khí, xã giao hệt như lập trình”.
Chuẩn bị 20/11 năm nay, tôi đem câu chuyện ấy nói với những thành viên trong chi hội, những mong phụ huynh đồng tình, có cách ứng xử phù hợp, có thể năm nay phụ huynh định hướng để học sinh tặng quà giáo viên theo cái cách thật cảm động. Những phụ huynh nhìn tôi, nói rằng, anh chưa già mà lẩm cẩm. Câu chuyện ấy chỉ có ở trên báo thôi. Dù bất bình nhưng tôi vẫn buộc phải theo, vì tôi là thiểu số.
Lâu nay nhiều người phàn nàn chuyện thương mại hóa quà tặng, nhưng khi tôi đề xuất một lối thoát, thì họ lại quay lưng.
Hạnh Nhiên