Tăng quyền cho địa phương trong quản lý môi trường

Tăng quyền cho địa phương trong quản lý môi trường
7 giờ trướcBài gốc
Phân cấp rõ ràng, tăng trách nhiệm địa phương
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Nghị định 136/2025/NĐ-CP, trong đó quy định cụ thể việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường nói chung, lĩnh vực môi trường nói riêng. Theo đó, thẩm quyền của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND các cấp phải được xác định rõ ràng, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và năng lực tổ chức thực hiện của từng địa phương. Việc phân quyền cũng phải đảm bảo tính đồng bộ, liên thông, không chồng chéo hay bỏ sót nhiệm vụ, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Formosa Hà Tĩnh gắn bó chặt chẽ với công tác bảo vệ môi trường và được kiểm soát nghiêm ngặt bởi cơ quan chức năng.
Một điểm đáng chú ý là từ tháng 7/2025, nhiều quyền hạn trước đây thuộc Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ được chuyển giao cho UBND cấp tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh được trao quyền xây dựng và ban hành kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng trong các trường hợp do lịch sử để lại hoặc không xác định được cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm. Địa phương cũng sẽ chịu trách nhiệm tổ chức quản lý bùn nạo vét từ kênh mương, công trình thủy lợi thuộc quyền quản lý, đảm bảo các hoạt động này đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ được thực hiện nhiệm vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp đặc biệt tiếp tục do Bộ thực hiện như: dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên chưa được xác định rõ thẩm quyền, hoặc các dự án thuộc lĩnh vực nhạy cảm như khai thác khoáng sản, sử dụng tài nguyên nước, xử lý chất thải nguy hại, có nguy cơ ô nhiễm cao.
Trường hợp dự án nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp nhưng thuộc loại hình có mức công suất lớn, nguy cơ gây ô nhiễm cao theo quy định tại phụ lục II Nghị định 08/2022/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 05/2025/NĐ-CP) thì vẫn do Bộ trực tiếp cấp phép. Ngược lại, với các dự án quy mô vừa, phù hợp với năng lực quản lý địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ là người quyết định.
Tạo thuận lợi trong thủ tục, kiểm soát môi trường chặt chẽ
Việc phân quyền này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường, đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư. Các thủ tục liên quan đến đánh giá tác động môi trường vẫn phải tuân thủ đúng quy trình quy định tại Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phải bao gồm văn bản đề nghị, báo cáo ĐTM và báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương. Với các dự án thuộc đối tượng cần thẩm định cả báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của Luật Xây dựng, chủ đầu tư được phép nộp hồ sơ đồng thời hai loại thủ tục. Tuy nhiên, phải đảm bảo việc thẩm định ĐTM được thực hiện trước khi có kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.
Nội dung thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phải đánh giá tính phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, vùng và tỉnh; xác định rõ hạng mục công trình có khả năng tác động xấu đến môi trường; đánh giá các chất thải phát sinh, rủi ro về sự cố môi trường; tính khả thi của các biện pháp bảo vệ, khắc phục, cải tạo, phục hồi môi trường và phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cũng cần xem xét mức độ phù hợp và khả năng thực thi của chương trình giám sát môi trường và các cam kết bảo vệ môi trường do chủ đầu tư đề xuất.
Một điểm mới đáng chú ý là trong trường hợp dự án đầu tư nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên hoặc trên vùng biển chưa xác định được trách nhiệm hành chính, chủ đầu tư được quyền lựa chọn nộp hồ sơ tại một trong các UBND cấp tỉnh liên quan. Trong các dự án hợp tác công tư đã được giao thẩm quyền cho một UBND tỉnh cụ thể, thì cơ quan này sẽ là nơi thẩm định và cấp phép toàn bộ hoạt động môi trường liên quan đến dự án.
Việc phân quyền mạnh mẽ trong lĩnh vực môi trường là một bước đi quan trọng để thực hiện chủ trương cải cách hành chính, tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cùng với quyền lực được trao, các địa phương cũng phải nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, giám sát và kiểm soát rủi ro nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
P.V
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/tang-quyen-cho-dia-phuong-trong-quan-ly-moi-truong-post291334.html