Vừa qua, tại buổi làm việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh về quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 31/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư 29), một số ý kiến lãnh đạo trường học cho rằng, hai tiết dạy thêm mỗi tuần cho học sinh yếu hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi là không đủ và cần tăng số tiết dạy thêm trong trường học.
Cần chú trọng giải quyết nội dung học trong thời gian chính khóa
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tấn Công - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Thông tư 29 giúp quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, mang lại nhiều thay đổi quan trọng trong quản lý giáo dục, góp phần định hướng lại cách thức tổ chức dạy và học.
Theo thầy Nguyễn Tấn Công, kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật theo Khoản 1, Điều 7, Thông tư 29. Do đó, nếu tăng tiết dạy thêm trong nhà trường đồng nghĩa với việc sẽ phải sử dụng thêm nguồn ngân sách để chi trả việc dạy thêm cho giáo viên. Điều này có thể dẫn tới ngân sách của trường không đủ để chi trả trong trường hợp số tiết dạy thêm quá nhiều.
Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng: "Nếu số lượng tiết dạy thêm trong trường được tăng lên quá nhiều, học sinh có thể rơi vào tình trạng học bị quá tải, dẫn đến áp lực lớn. Đồng thời, việc này đi ngược lại với mục đích của Thông tư 29 là hướng đến mục tiêu trường học không dạy thêm, học thêm.
Do đó, thay vì tập trung vào việc tăng số tiết dạy thêm, ngành giáo dục cần khuyến khích học sinh học tập chủ động, giúp học sinh có thể tự nghiên cứu, khám phá và vận dụng kiến thức một cách linh hoạt. Khi học sinh có tinh thần tự học tốt, các em sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên mà có thể xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc, từ đó có khả năng học tập hiệu quả hơn”, thầy Nguyễn Tấn Công bày tỏ.
Thầy Nguyễn Tấn Công (bên trái) - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp). (Ảnh: NVCC).
Đồng quan điểm trên, thầy Nguyễn Công Hiếu - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết, căn cứ theo Điều 5 Thông tư 29, nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học. Vì vậy, nếu tăng số tiết dạy thêm trong trường sẽ làm ảnh hưởng lớn tới ngân sách, kinh phí hoạt động của các trường học.
Theo thầy Nguyễn Công Hiếu, học sinh giữ vai trò chủ đạo trong việc của tập của mình. Trong khi đó, giáo viên chỉ là người định hướng, hướng dẫn học sinh trong việc học tập. Do đó, thầy cô cần hướng dẫn học sinh tinh thần tự giác, tự học để không còn phụ thuộc vào giáo viên.
“Hiện nay, công nghệ phục vụ cho giáo dục ngày càng phát triển. Vì vậy, cả học sinh lẫn giáo viên đều có thể áp dụng công nghệ để hỗ trợ việc học tập và giảng dạy. Trong đó, giáo viên có thể sử dụng công nghệ để hướng dẫn học sinh chủ động tìm kiếm tài liệu và kiến thức phục vụ cho việc học. Đồng thời, việc chủ động ứng dụng công nghệ trong học tập cũng sẽ giúp tiết kiệm kinh phí cho học sinh, khi các em không chỉ hình thành thói quen tự học, mà còn nâng cao khả năng tự tìm hiểu và nghiên cứu kiến thức thay vì dành thêm nhiều thời gian để học thêm trong nhà trường”, thầy Nguyễn Công Hiếu bày tỏ.
Thầy Nguyễn Công Hiếu nhấn mạnh, thay vì tăng số tiết dạy thêm trong trường học, cần chú trọng việc học chính khóa của học sinh. Trong đó, địa phương và nhà trường cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng chương trình học để đưa ra phương pháp, nội dung giảng dạy phù hợp với học sinh.
Thầy Hiếu cho biết thêm, tại địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sa Đéc đã giao nhiệm vụ cho các trường học tiến hành nghiên cứu, rà soát chương trình giảng dạy, học tập để có những điều chỉnh hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế tại từng đơn vị trường học. Quá trình này không chỉ giúp các trường chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy, mà còn giúp giáo viên có định hướng giảng dạy hiệu quả, tránh tình trạng học sinh bị học quá tải hoặc nội dung học của học sinh bị chồng chéo giữa học chính khóa và học thêm.
Thầy Nguyễn Công Hiếu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp). (Ảnh: NVCC).
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Long Văn Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, việc tăng số tiết dạy thêm trong các trường học là không cần thiết, bởi khả năng học tập của học sinh không chỉ phụ thuộc vào số lượng tiết học, mà còn là chất lượng giảng dạy và khả năng tiếp thu của các em.
“Việc tăng số tiết dạy thêm trong trường không mang lại hiệu quả tích cực, trái lại, có thể tạo thêm áp lực không cần thiết cho học sinh. Trong đó, thời lượng các môn học dành cho học sinh trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đủ để học sinh có thể tiếp nhận kiến thức trong chương trình chính khóa. Do đó, nếu số tiết dạy thêm trong trường được tăng lên đáng kể, học sinh có thể cảm thấy quá tải vì phải tiếp thu lượng lớn kiến thức trong khi thời gian tự học, tự nghiên cứu của các em lại bị thu hẹp”, thầy Phú bày tỏ.
Thầy Long Văn Phú nhấn mạnh, Thông tư 29 nhằm hướng đến mục tiêu trường học không dạy thêm, học thêm. Do đó, nếu thời lượng dành cho dạy thêm giảm xuống, thầy cô và nhà trường sẽ cần giải quyết nội dung trong thời gian chính khóa, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy.
Địa phương và nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Thông tư 29 hiệu quả
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn cho biết, sau hơn 1 tháng triển khai Thông tư 29, nhà trường không gặp khó khăn nhờ sự hướng dẫn và chỉ đạo từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn. Bên cạnh đó, với tinh thần chủ động và nghiêm túc thực hiện, nhà trường đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và đưa ra các giải pháp cụ thể để đảm bảo việc triển khai Thông tư 29 diễn ra một cách thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn). (Ảnh: website nhà trường)
Còn theo thầy Nguyễn Tấn Công - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp), việc triển khai Thông tư 29 đã giúp địa phương gặp thuận lợi trong việc quản lý dạy thêm, học thêm khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có một văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng về vấn đề này.
Tuy nhiên, địa phương vẫn còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong đó, một bộ phận giáo viên, phụ huynh và học sinh chưa thực sự hiểu rõ về nội dung và ý nghĩa của Thông tư 29. Không ít phụ huynh vẫn còn cho rằng việc dạy thêm, học thêm là cần thiết để học sinh có thể đạt được kết quả tốt hơn trong học tập. Đồng thời, cho rằng Thông tư 29 cấm hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm.
Trước thực tế này, giải pháp quan trọng mà ngành giáo dục địa phương đang hướng tới là thúc đẩy công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức toàn xã hội, đặc biệt là đối với phụ huynh, học sinh và giáo viên. Trong thời gian tới, ngành giáo dục huyện Tân Hồng sẽ đề xuất tỉnh để tổ chức một cuộc họp liên ngành với sự góp mặt của các đơn vị có liên quan, nhằm gỡ khó và hướng dẫn cụ thể về việc triển khai Thông tư 29 tại địa phương.
Trong khi đó, để nâng cao nhận thức và tinh thần tự học của học sinh, thầy Nguyễn Công Hiếu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) nhấn mạnh: “Học sinh cần rèn luyện khả năng tự học và tự rèn luyện kỹ năng một cách chủ động. Đây chính là mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang hướng tới - khuyến khích học sinh chủ động tìm hiểu, khám phá kiến thức thay vì chỉ tiếp tục một cách thụ động từ giáo viên. Khi có tinh thần tự học tốt, học sinh sẽ dễ dàng thích ứng với môi trường học tập hiện đại, nơi kiến thức luôn không ngừng thay đổi và đòi hỏi sự linh hoạt trong cách tiếp cận.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, việc nâng cao tinh thần tự học không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà còn là trách nhiệm, sự quan tâm, hỗ trợ từ gia đình. Gia đình chính là môi trường giáo dục đầu tiên và cũng là nơi hình thành ý thức, thói quen học tập của học sinh. Khi phụ huynh quan tâm đến việc học hành của học sinh, đồng hành cùng các em trong quá trình học tập, sẽ tạo động lực giúp học sinh có trách nhiệm hơn trong việc học của mình. Từ đó, xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện, giúp học sinh phát triển cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ học tập chủ động”, thầy Nguyễn Công Hiếu cho hay.
Mạnh Dũng