Tăng thuế mạnh liệu có 'rộng đường' cho thuốc lá lậu?

Tăng thuế mạnh liệu có 'rộng đường' cho thuốc lá lậu?
3 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV.
Việc tăng thuế với thuốc lá là nhằm thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân, phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, với 2 phương án đề xuất của dự thảo về mức thuế TTĐB tuyệt đối cho mặt hàng thuốc lá điếu một cách đột ngột, đột biến và lớn sẽ tác động sâu rộng đến ngành thuốc lá. Hậu quả tất yếu là gây thêm nhiều thách thức cho công tác phòng, chống buôn lậu đối với thuốc lá, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chính phủ cũng như tăng thu ngân sách bền vững.
Đây là những mức tăng chưa từng có trong tiền lệ và gây lo ngại khi hoạt động phòng chống buôn lậu thuốc lá vẫn còn nhiều khó khăn.
Lo ngại tăng thuế, thuốc lá lậu tăng
Hệ thống tính thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá điếu đã được xây dựng và có lộ trình từ 2006 đến nay (từ 55% lên 75% với mức tăng 5%/lần và thời gian giãn cách giữa các lần điều chỉnh tăng là 3 - 4 năm/lần). Những đợt tăng này đã được tính toán thận trọng để giúp loại bỏ cú sốc về giá thuốc lá hợp pháp tăng đột ngột và lớn khiến người tiêu dùng chuyển sang dùng thuốc lá nhập lậu có giá rẻ hơn, từ đó kiểm soát sự gia tăng của thuốc lá nhập lậu.
Thực tế, năm 2016, Việt Nam tăng thuế từ 65% lên 70% dẫn đến số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao vào năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao trong năm 2017. Năm 2019, khi tăng thuế từ 70% lên 75%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao trong năm 2019 lên hơn 5,1 triệu bao vào năm 2020 và lên gần 6,6 triệu bao ở năm 2021.
Trong khi đó, giai đoạn 5 năm trước đó từ 2019 - 2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được 59.637 vụ buôn lậu thuốc lá, đưa ra truy tố, xét xử nhiều tổ chức, cá nhân, tịch thu nhiều phương tiện vận chuyển. Tổng số thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ là 37,5 triệu bao, số lượng bị tiêu hủy là 22,1 triệu bao.
Theo số liệu mới nhất của Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực song tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp. Trong 10 tháng năm 2024, có 1.067 vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu, 800 vụ bị xử lý, trong đó có 3 vụ chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 3,1 tỷ đồng và trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 5,6 tỷ đồng. Số lượng bao thuốc và tương đương bị xử lý bao gồm 23.931 bao thuốc lá và 4.000 sản phẩm các loại như thiết bị, tinh dầu thuốc lá điện tử.
Về vấn đề buôn lậu thuốc lá, Thượng tá Lê Thiện Thành - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn Điều tra - Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho hay, hoạt động buôn lậu, nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ vào nước ta đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp, gây thất thu ngân sách.
Thượng tá Lê Thiện Thành - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn Điều tra - Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nhấn mạnh hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra phức tạp ở một số tuyến biên giới, cửa khẩu, địa bàn trọng điểm.
Phương thức hoạt động của các đối tượng không mới nhưng manh động, liều lĩnh và tinh vi hơn, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Các đối tượng này sử dụng phương tiện có tốc độ cao như xuồng cao tốc, xe máy độ chế tháo biển kiểm soát và sẵn sàng đâm va vào lực lượng chức năng hoặc vứt bỏ phương tiện, hàng hóa khi bị phát hiện, truy đuổi. Khi bị bắt giữ thì chỉ khai nhận chở thuê kiếm sống, không biết là hàng gì, chỉ biết chở thuê, không biết chủ hàng, chủ thuê là ai, ở đâu. Họ huy động cả đám đông (có cả người già, phụ nữ và trẻ em), tạo điểm nóng, gây áp lực cho lực lượng chức năng để cướp lại hàng hóa, phương tiện bị thu giữ…
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới, các lực lượng chức năng đã gặp nhiều khó khăn, thách thức từ phía ngoại biên lẫn trong nước. Loại hàng không rõ xuất xứ được bày bán công khai ở phía ngoại biên, tự do ở phía nước bạn (Campuchia, Lào). Do giá cả thấp nên có rất nhiều kho hàng, bến bãi hình thành dọc biên giới đối diện Việt Nam (Campuchia, Lào) được các đối tượng tập kết thuốc lá lậu, kho chứa ngay sát biên giới hoặc ở các địa điểm cơ động sát biên giới, do đó việc vận chuyển hàng lậu được thực hiện rất nhanh chóng.
Giải pháp nào để kiểm soát thuốc lá lậu và tăng thu ngân sách bền vững?
Trong bối cảnh tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng cần có lộ trình, chính sách tăng thuế hợp lý, phù hợp thực tiễn, trong đó chủ động thực hiện hài hòa mục tiêu của Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng.
“Lộ trình tăng thuế nên giãn ra để lực lượng Bộ đội Biên phòng và các cơ quan quản lí thị trường có thêm thời gian chuẩn bị kế hoạch và lực lượng nhằm ứng phó hiệu quả với việc buôn lậu thuốc lá” - Thượng tá Lê Thiện Thành nhấn mạnh.
Trong bối cảnh công tác phòng, chống thuốc lá nhập lậu vẫn đang diễn biến phức tạp, chính sách thuế đối với thuốc lá hợp pháp cần được nghiên cứu, điều chỉnh một cách khoa học, hợp lý để làm suy giảm động lực của những người tham gia buôn lậu, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp trong nước đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chung phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Hồ Lê Nghĩa, tăng thuế thuốc lá để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng là cần thiết. Nhưng việc tăng thuế đột ngột có thể gây bất ổn trong ngành, đặc biệt khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh sẽ khiến gia tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá - vốn không chịu thuế và không được kiểm soát chất lượng.
“Chúng tôi cho rằng phương án tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần. Hiệp hội đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường” - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Hồ Lê Nghĩa chia sẻ.
Trong buổi họp tổ ngày 22/11 về dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn đại biểu tỉnh Cần Thơ) cho rằng, mức tăng như dự thảo hiện nay sẽ tác động rất lớn đến thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời khiến việc buôn lậu thuốc lá tăng lên, trong khi việc ngăn chặn tình trạng này còn nhiều khó khăn.
“Việc giá thuốc lá trong nước tăng cao không những không làm giảm mức tiêu thụ mà còn làm tình trạng buôn lậu tăng, phức tạp hơn vì nhu cầu mua thuốc lá giá rẻ chuyển từ thuốc lá trong nước sang thuốc lá lậu” - Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.
Đại biểu thuộc Đoàn Cần Thơ cho biết, nếu trường hợp thuốc lá lậu tăng lên thì rất nhiều khoản không thu được, ví dụ như thuế nhập khẩu, VAT, phí môi trường…; tiêu thụ giảm đi do giá bán tăng lên thì ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách Nhà nước.
Chỉ trong 10 tháng năm 2024, các lực lượng chức năng của cả nước bắt giữ hàng ngàn vụ và tịch thu hàng triệu bao thuốc lá nhập lậu.
Việc điều chỉnh mức thuế tuyệt đối, qua ghi nhận chung của nhiều đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội thuốc lá cho thấy, điều này là cần thiết, nhưng mức độ như thế nào cho phù hợp để đảm bảo công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong lĩnh vực này, đồng thời cho các doanh nghiệp có điều kiện điều chỉnh cho phù hợp với lộ trình. Bên cạnh đó cần có mức tăng và lộ trình tăng thuế phù hợp, các biện pháp đi kèm khác cũng cần thiết nhằm phòng chống thuốc lá lậu hiệu quả.
Theo Thượng tá Lê Thiện Thành, cần sớm sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP để ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc lá lậu, củng cố cơ sở pháp lý trong công tác phòng chống buôn lậu, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp hợp pháp tồn tại.
Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân tìm việc làm, tạo việc làm mới cho người dân; đảm bảo dân sinh, an sinh xã hội, nâng cao thu nhập đối với cư dân biên giới, hạn chế thấp nhất việc tiếp tay hoặc trực tiếp thực hiện hoạt động nhập lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, sản phẩm thuốc lá qua biên giới. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cư dân biên giới để họ tự giác không tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.
Minh Hằng
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/tang-thue-manh-lieu-co-rong-duong-cho-thuoc-la-lau.html