Việt Nam nằm trong nhóm nước có giá thuốc lá thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đến nay, tại Việt Nam có hơn 15 triệu người đang hút thuốc lá, nằm trong số các quốc gia có lượng người hút thuốc cao nhất thế giới. Thuốc lá là nguyên nhân liên quan gây tử vong cho hơn 103.300 người, bao gồm 84.500 người chết do hút thuốc chủ động và 18.800 người chết vì phơi nhiễm khói thuốc thụ động. Các bệnh lý gây ra bởi thuốc lá như ung thư, tim mạch, và bệnh đường hô hấp... Đáng chú ý, phần lớn những người tử vong này đang ở độ tuổi lao động, làm suy giảm chất lượng và quy mô nguồn nhân lực quốc gia.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi thuốc lá vẫn dễ dàng tiếp cận với mức giá rẻ, thì thế hệ trẻ tiếp tục bị đặt vào nguy cơ phơi nhiễm với khói thuốc nghiêm trọng, dẫn đến những gánh nặng y tế không hề nhỏ trong tương lai.
Việc sử dụng thuốc lá tiêu tốn của Việt Nam hơn 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm (tương đương 1,14% GDP), gồm 16,4 nghìn tỷ đồng chi phí y tế trực tiếp; 5.900 tỷ đồng chi phí gián tiếp do bệnh tật và 85.800 tỷ đồng thiệt hại từ tử vong sớm. Ngoài ra còn 49.000 tỷ đồng mà người dân bỏ ra để mua thuốc lá hằng năm. Khoản thiệt hại này lớn hơn gấp 5 lần so nguồn thu từ thuế thuốc lá hiện nay.
Trong khi người dân và nền kinh tế phải chịu gánh nặng tài chính lớn từ thuốc lá, thì thuế suất thấp lại không mang lại lợi ích tương xứng. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc lá làm gia tăng nghèo đói, các hộ gia đình có người hút thuốc đối mặt với nguy cơ nghèo cao hơn do chi tiêu vào thuốc lá thay thế cho thực phẩm, giáo dục và nhu cầu thiết yếu khác; gánh nặng chi phí khám chữa bệnh liên quan thuốc lá; thiệt hại kinh tế khi mất đi lao động chính trong gia đình....
Hành vi hút thuốc lá hiện tại sẽ tiếp tục để lại hậu quả nặng nề trong vòng 10-20 năm tới, khi những người hút thuốc bắt đầu chịu các tác động lâu dài lên sức khỏe. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ để điều chỉnh như tăng thuế và kiểm soát giá thuốc lá, hệ thống y tế và kinh tế của Việt Nam sẽ ngày càng chịu thêm áp lực. Thế nhưng, mức tăng hiện nay chưa đủ để ảnh hưởng đáng kể đến giá thuốc lá và tỷ lệ hút thuốc, không đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
Năm 2020, tỷ lệ thuế thuốc lá tại Việt Nam tính trên giá bán lẻ thuốc lá chỉ chiếm 38,8%, thấp hơn nhiều so mức trung bình của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (59%), thấp hơn đa số các nước ASEAN và chỉ bằng một nửa so khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (75%). Năm 2020, Việt Nam tiêu thụ 3,85 tỷ bao thuốc lá nhưng chỉ thu được 0,76 tỷ USD tiền thuế, trong khi Thái Lan tiêu thụ 1,68 tỷ bao thuốc lá, thu thuế 2,09 tỷ USD; Philippines tiêu thụ 3,35 tỷ bao thuốc lá thu 2,65 tỷ USD tiền thuế.
Tại Việt Nam, hiện có hơn 40 thương hiệu thuốc lá nội địa có giá bán dưới 10.000 đồng/bao, nằm trong nhóm các quốc gia có giá thuốc lá thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hệ quả của mức giá rẻ này là thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận thuốc lá hơn, dẫn đến gia tăng tỷ lệ hút thuốc và các bệnh liên quan.
Từ năm 2006-2024, thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá chỉ tăng 20%, tương đương 1,1%/năm. Khoảng cách giữa các lần tăng thuế quá xa, khiến giá thuốc lá ngày càng rẻ đi so thu nhập. Tác động giảm tiêu dùng rất hạn chế, sản lượng tiêu dùng thuốc lá trong nước đã tăng trở lại từ năm 2021.
Tăng thuế thuốc lá là giải pháp tất yếu, nó không chỉ bảo vệ sức khỏe, mà còn tăng nguồn thu ngân sách và giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam hiện đang đối mặt với một nghịch lý đáng báo động: Thuế thuốc lá thấp và giá thuốc lá rẻ góp phần duy trì tỷ lệ hút thuốc cao, trong khi các hệ lụy từ thuốc lá lại gây tổn thất nghiêm trọng cả về sức khỏe cộng đồng lẫn kinh tế quốc gia.
Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, chính sách giá và thuế là một trong những chính sách quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá, chiếm tới 50% trong việc góp phần làm giảm tỷ lệ hút thuốc, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Cần có những giải pháp hiệu quả để giảm người hút thuốc lá.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết, nếu tăng giá thuốc lá 10% giúp giảm tiêu dùng 5% ở các nước đang phát triển. Thanh thiếu niên và người nghèo phản ứng mạnh nhất với thay đổi giá, với mức giảm tiêu dùng đến 10%, đồng thời ngăn trẻ em và thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng nguồn thu ngân sách.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm tiêu thụ. Hệ thống thuế cần được thiết kế để tăng giá thuốc lá theo thời gian, tính đến yếu tố lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Trong đó, thuế tuyệt đối hoặc hệ thống thuế hỗn hợp được coi là lựa chọn ưu việt hơn so với thuế theo tỷ lệ giá. Thuế tuyệt đối, với một mức cố định áp dụng cho mỗi đơn vị thuốc lá, giúp kiểm soát giá bán lẻ tốt hơn và giảm tiêu thụ hiệu quả hơn. Ngoài ra, cấu trúc thuế đơn giản, không phân biệt theo đặc tính sản phẩm, ngăn ngừa tình trạng người tiêu dùng chuyển sang các nhãn hiệu giá rẻ hơn khi thuế tăng.
Việt Nam hiện đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ, dựa trên giá bán của nhà sản xuất, nhưng hệ thống này tồn tại nhiều hạn chế. Cơ sở thuế thấp dẫn đến mức thuế không đủ cao để tác động đáng kể lên giá bán lẻ. Lộ trình tăng thuế chậm cũng khiến cho giá thuốc lá đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng.
Để cải thiện hiệu quả chính sách thuế, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị, Việt Nam áp dụng một hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp với thuốc lá, bằng cách bổ sung thuế tuyệt đối bên cạnh mức thuế theo tỷ lệ hiện có. Để đạt được điều này, thuế tuyệt đối cần được áp ở mức cao tối ưu nhất có thể ít nhất là 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần để đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030.
Phương án này sẽ giúp tăng tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá lên mức 65.3% vào 2030 - gần đạt mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới; giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam và nữ giới trưởng thành lần lượt xuống dưới 36% và 1% - đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại thuốc lá đặt ra vào năm 2030; đồng thời tăng đáng kể nguồn thu thuế thuốc lá hằng năm cho ngân sách Nhà nước.
Như vậy, việc tăng thuế thuốc lá sẽ mang lại nhiều lợi ích. Giá thuốc lá tăng cao sẽ khuyến khích nhiều người bỏ thuốc, giảm tỷ lệ hút thuốc và các bệnh liên quan. Ngoài ra, nguồn thu từ thuế sẽ tăng, tạo thêm kinh phí để đầu tư vào y tế và các chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời, gánh nặng y tế giảm sẽ giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Quang Minh