Mỗi năm có khoảng 40.000 người ở Việt Nam tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Giá bán rẻ
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng anh Bùi Văn Cường (Tuyên Quang) vẫn duy trì thói quen hút thuốc lá. Anh Cường chia sẻ, gia đình anh vừa mới thoát nghèo nhờ bò giống được tặng từ nguồn vốn ưu đãi đã sinh sản bán sinh lời. Bản thân anh không có việc làm, phải xuống Hà Nội làm bốc vác thuê cho cửa hàng vật liệu xây dựng với mức lương 7 triệu đồng/tháng, bao bữa ăn. Tôi chỉ lo tiền ăn sáng và thuê trọ nhưng mỗi tháng cũng chỉ để dư ra được 3 - 4 triệu đồng gửi về đóng học cho con.
“Tôi không phải nghiện nhưng đi làm thấy bạn bè hút nên cũng hút theo. Hơn nữa thuốc lá cũng rẻ, có loại 1 bao chỉ hơn 10 nghìn đồng. Tính ra 1 tháng cũng chỉ tốn hơn 400 nghìn đồng cho một thú vui cá nhân, vì thế tôi cũng không có ý định bỏ thuốc lá” - anh Cường nói.
Giá bán thuốc lá đang rẻ tương đối so với các mặt hàng khác cũng chính là nguyên nhân khiến số người hút thuốc lá gia tăng. Đề cập về giá thuốc lá hiện nay, chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn (Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu) cho biết, hiện nay, giá 1 bao thuốc lá là 15 nghìn đồng, mức giá này là quá rẻ, lý do là giá thuốc bán ra đang bị tính thiếu.
Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế y tế năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm. Trong khi mỗi năm, lượng tiêu thụ trong nước khoảng 4,3 tỷ bao thuốc. Tính ra, trung bình mỗi một bao thuốc gây chi phí bệnh tật, tử vong tới 25 nghìn đồng. Tuy nhiên, theo ông Sơn, con số 25 nghìn đồng này hoàn toàn chưa được tính vào giá thành của thuốc lá.
“Nếu tính đúng, tính đủ thì giá thành 1 bao thuốc lá phải là 40 nghìn đồng. Điều này dẫn đến người dân tiêu thụ quá nhiều, nhà sản xuất sẽ sản xuất cung đủ cầu. Việc tính thiếu chi phí do bệnh tật dẫn đến giá thuốc lá quá rẻ” - ông Sơn nói và cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhất là tăng thuế TTĐB với thuốc lá như đề xuất tại Dự thảo Luật Thuế TTĐB. Thậm chí mức tăng cần phải cao hơn để giảm tỷ lệ hút thuốc lá cũng như bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Giám đốc Quỹ Phòng chống thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm nhưng theo đánh giá, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Theo bà Hương, Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) năm 2014, thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá trong giá bán lẻ (bao gồm thuế TTĐB và giá trị gia tăng) tại nước ta chỉ chiếm 38,8%. Tỷ lệ này thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59% giá bán lẻ…
“Để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% đến năm 2030 theo Quyết định số 568 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam cần phải tăng thuế TTĐB với tỷ trọng thuế thuốc lá theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới chiếm 70 - 75% giá bán lẻ để giá thuốc lá tăng đủ cao, tác động được đến giảm nhu cầu sử dụng” - bà Hương đề xuất.
Tăng thuế là giải pháp hữu hiệu
Đồng quan điểm, BS Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng, để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39% trong giai đoạn 2023 - 2025 và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026 - 2030… việc áp dụng tăng thuế TTĐB ngay từ năm 2026 bằng cách bổ sung thành phần thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn, tiến tới đạt mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), và tăng thuế theo lộ trình đều đặn hàng năm để giá thuốc lá theo kịp mức tăng lạm phát và thu nhập là việc làm cần thiết.
Trước những lo ngại về việc tăng thuế thuế lá sẽ gây ra những tác động đến việc làm hay làm gia tăng tình trạng buôn lâu, ông Đào Thế Sơn cho hay, việc làm tạo ra trong ngành thuốc lá chỉ chiếm từ 0.39 - 0.42% tổng việc làm trong nền kinh tế. Số lao động trong nhà máy thuốc lá chỉ khoảng 10.000 lao động, đây là ngành không cần nhiều lao động.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lao động trong lĩnh vực sản xuất thuốc lá đã giảm từ 13.586 lao động năm 2010 xuống 11.140 lao động năm 2018. Trong khi đó, tổng sản lượng của ngành thuốc lá giai đoạn 2010 - 2018 hầu như không thay đổi. Đáng lưu ý, số lượng lao động ngành sản xuất thuốc lá giảm ngay cả trong những năm mà sản lượng sản xuất tăng. Như vậy, không có căn cứ để cho rằng tăng thuế thuốc lá làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của ngành thuốc lá.
“Hầu hết các lo ngại về ảnh hưởng không mong muốn của tăng thuế thuốc lá là thiếu cơ sở và được phóng đại rất nhiều” - ông Sơn nói và cho rằng, để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, cần tăng thuế theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO, bổ sung thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao từ 2026 và tăng lên thành 15.000 đồng/bao năm 2030.
Có 2 phương án tăng thuế tại dự thảo Luật Thuế TTĐB. Phương án 1 sẽ bổ sung 2.000 đồng/bao thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000 đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
Lan Hương