Tăng thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong

Tăng thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong
5 giờ trướcBài gốc
Hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm do các bệnh gây ra do hút thuốc
Bà Phan Thị Hải cho biết, Việt Nam hiện nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới. Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2021, tỷ lệ hút thuốc trong dân số là 20,8%, trong đó tỷ lệ hút thuốc trong nam giới là trên 41%. Đa số người hút thuốc ở Việt Nam trong nhóm tuổi từ 15 đến 55 tuổi, là lực lượng lao động chính trong xã hội.
Với hơn 15 triệu người hút thuốc hiện nay tại Việt Nam, việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm và ngày càng tăng. Ước tính mỗi năm có hơn 100.000 ca tử vong do các bệnh gây ra do hút thuốc lá chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Văn Nam.
Theo bà Hải, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do đây là bệnh không lây nhiễm. Khói thuốc chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có ít nhất 69 chất gây ung thư. Phụ nữ và trẻ em khi sử dụng, hay tiếp xúc thụ động với khói thuốc có thể có các nguy cơ như: sảy thai, sinh non, thai chết lưu, trẻ em sinh ra có thể bị nhẹ cân, chậm phát triển trí tuệ.
Trẻ em hít phải khói thuốc thụ động sẽ dễ mắc viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn. Sử dụng thuốc lá có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển bộ não của trẻ vị thành niên.
“Theo báo cáo nghiên cứu của Hội Kinh tế y tế năm 2022, chi phí y tế cho điều trị và mất sức lao động do bệnh tật và tử vong sớm liên quan đến sử dụng thuốc lá hàng năm ở Việt Nam ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD), tương đương 1,14% GDP” - bà Hải cho hay.
Tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, từ đó góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, biện pháp trong tổng tác động tăng thuế hiệu quả đóng góp 50%-60% của tất cả các biện pháp giảm sử dụng thuốc lá.
Theo bà Hải, Việt Nam đã 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trong giai đoạn 2008-2019. Tuy nhiên, mức tăng còn thấp và cách biệt thời gian giữa các lần điều chỉnh quá dài, không đủ sức tác động đến hành vi tiêu dùng.
So với các nước ASEAN thì Việt Nam cũng ở mức thuế rất thấp, thuế tính trên giá bán lẻ thuốc lá thấp hơn nhiều quốc gia như: Thái Lan là 78,6%, Phillipines là 71,3% và Singapore là 67,5%. Điều này khiến giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn thuộc hàng rẻ nhất Đông Nam Á.
Tăng thuế thuốc lá giúp giảm tỷ lệ người sử dụng và tử vong. Ảnh minh họa
Hiện trên thị trường, có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên.
“Bằng chứng từ nhiều quốc gia cho thấy, tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá. Như tại Philippines, sau khi tăng thuế thuốc lá mạnh năm 2012, tỷ lệ hút thuốc giảm từ 27% (năm 2009) xuống còn 19,5% (năm 2021), trong khi nguồn thu thuế thuốc lá tăng từ 680 triệu USD (năm 2012) lên 2,9 tỷ USD (năm 2022)” - bà Hải nói.
Ở Thái Lan, từ 1993-2017, tăng thuế thuốc lá 11 lần dẫn đến kết quả giảm tỷ lệ hút từ 32% xuống 19,1%, thu ngân sách tăng hơn 4 lần (500 triệu USD lên 2,3 tỷ USD).
Trong bối cảnh nước ta đang cần thêm nguồn lực để đạt các mục tiêu phát triển bền vững, thì việc điều chỉnh tăng thuế thuốc lá là một giải pháp mang lại lợi ích kép: vừa tăng thu, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân.
"Tăng thuế thuốc lá cũng góp phần bảo vệ những nhóm người yếu thế trong xã hội như trẻ em và người nghèo là những nhóm nhạy cảm với giá - dễ bỏ thuốc khi giá tăng. Khi bỏ thuốc, họ tiết kiệm được chi phí, giảm nguy cơ bệnh tật và có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho con cái" - bà Hải nhấn mạnh.
Thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ
WHO khuyến cáo, thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm tiêu thụ các sản phẩm này. Việt Nam hiện đang áp dụng mức thuế suất 75% trên giá bán của cơ sở sản xuất (giá xuất xưởng) đối thuốc lá sản xuất trong nước. Khi tính theo chuẩn quốc tế (tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ), thuế thuốc lá của Việt Nam (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) chỉ chiếm 36% giá bán lẻ tại thời điểm năm 2022.
Văn Nam
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-thue-thuoc-la-la-bien-phap-nhanh-nhat-giam-nguy-co-benh-tat-va-tu-vong-176084.html