Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mang lại nguồn thu ngân sách nhưng nhu cầu tiêu dùng và lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm?

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mang lại nguồn thu ngân sách nhưng nhu cầu tiêu dùng và lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm?
một ngày trướcBài gốc
Mới đây, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tham vấn, thu thập ý kiến từ các bên liên quan để hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Sau hội thảo tham vấn các ý kiến của các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp chịu tác động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (gọi tắt là các đơn vị - PV) đã có công văn tổng hợp ý kiến từ hội thảo gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội về Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Theo đó, các đơn vị cho biết, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có thể mang lại nguồn thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng sẽ làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm lợi nhuận doanh nghiệp và hạn chế đầu tư dài hạn.
Ngay sau chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục tham vấn, thu thập ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các đơn vị liên quan đã kiến nghị áp dụng lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý thay vì tăng đột ngột.
Ngoài ra, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đột ngột có thể tạo ra những tác động ngoài mong muốn như kích thích buôn lậu, sản xuất phi chính thức và giảm thu ngân sách. Rượu bất hợp pháp hiện đang chiếm tới khoảng 63% tổng lượng tiêu thụ rượu và có khả năng tăng lên nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu và thuốc lá có thể làm gia tăng chênh lệch giá giữa sản phẩm hợp pháp và hàng nhập lậu, khiến người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm không được kiểm soát chất lượng, gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng.
Đối với thuốc lá, nghiên cứu cho thấy khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh, người hút thuốc có xu hướng tìm mua các sản phẩm lậu rẻ hơn thay vì từ bỏ thói quen hút thuốc, điều này làm suy giảm hiệu quả của chính sách kiểm soát thuốc lá.
Ngoài ra, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao có thể dẫn đến giảm sản lượng tiêu thụ hợp pháp, kéo theo giảm thu thuế.
Trên cơ sở phân tích và kinh nghiệm quốc tế, các hiệp hội ngành hàng kiến nghị áp dụng lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý thay vì tăng đột ngột.
Cụ thể, với mặt hàng rượu, bia, các hiệp hội kiến nghị bắt đầu áp dụng từ năm 2028 và áp dụng tăng thuế mỗi năm 5% theo phương án 1.
Đối với thuốc lá: Mức thuế tuyệt đối tăng 2.000 đồng/bao mỗi hai năm kể từ năm 2026 và đạt tối đa 6.000 đồng/bao vào năm 2030.
Đối với nước giải khát có đường, chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt do chưa đủ các bằng chứng, cơ sở khoa học, nghiên cứu, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để bảo đảm mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân béo phì.
Đối với ngành ô tô, kiến nghị ưu đãi cho xe hybrid điện không cần hệ thống nạp điện riêng bằng 70%, xe hybrid điện nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng bằng 50% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại.
Giữ nguyên mức thuế đối với xe pick-up chở hàng cabin kép, đây là dòng xe phục vụ nông nghiệp và thương mại, cần có chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ sản xuất.
Ngoài ra các hiệp hội cho rằng, cần kết hợp chính sách thuế với các biện pháp chống gian lận thương mại để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.
VCCI cho hay, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cần bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu tăng thu ngân sách, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì môi trường kinh doanh ổn định.
VCCI mong muốn Quốc hội cân nhắc các đề xuất trên để bảo đảm chính sách thuế mang lại hiệu quả toàn diện, tránh tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và nền kinh tế.
Diễn biến giá biệt thự, liền kề tại Đông Anh (Hà Nội) tháng 4.2025
Khánh Dương
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tang-thue-tieu-thu-dac-biet-mang-lai-nguon-thu-ngan-sach-nhung-nhu-cau-tieu-dung-va-loi-nhuan-doanh-nghiep-suy-giam-172250402160519575.htm