Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ôtô lưu hành ở Việt Nam. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất “siết” quy định về khí thải đối với xe ô tô, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.
Áp dụng tiêu chuẩn cao với Hà Nội và TP.HCM
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện ô tô lưu hành ở Việt Nam đang được kiểm soát chất lượng khí thải theo tiêu chuẩn quốc gia được quy định tại TCVN 6438:2018, nhưng ở tiêu chuẩn thấp, chủ yếu chỉ phải đáp ứng mức 2. Mức này thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn áp dụng ở các nước trong khu vực như Thái Lan (Euro 4), Singapore (Euro 5-6).
Trong khi đó, nồng độ bụi mịn li ti trong không khí (PM2.5) tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM thường xuyên vượt ngưỡng khuyến nghị của WHO, trong đó nguồn từ giao thông chiếm tỉ trọng lớn.
“Ô nhiễm khí thải từ ô tô đang lưu hành là một trong những nguyên nhân làm ô nhiễm không khí gây ra các bệnh hô hấp, tim mạch, ung thư và suy giảm chức năng não bộ.
Trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền chịu tác động lớn nhấtkéo theo đó là chi phí điều trị cao, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến phát triển bền vững…” - Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân tích.
Hiện nay xe lưu hành vẫn được kiểm soát khí thải nhưng ở mức thấp. Ảnh minh họa: V.LONG
Ngoài ra, các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong (đặc biệt là xe cũ) có mức phát thải cao hơn nhiều so với các phương tiện mới và chưa có quy định bắt buộc nâng cấp hoặc loại bỏ, gây ô nhiễm nặng nề.
Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã quy định việc kiểm soát khí thải xe ô tô lưu hành. “Vì vậy cần phải xây dựng và ban hành QCVN để sớm triển khai lộ trình áp dụng khí thải phương tiện ô tô lưu hành ở Việt Nam…”- Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định.
Theo đó, bộ đề xuất Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng khí thải phương tiện ô tô lưu hành ở Việt Nam theo 5 mức từ thấp đến cao. Cụ thể, ô tô có năm sản xuất trước năm 1999 áp dụng mức 1, ô tô có năm sản xuất từ năm 1999 áp dụng mức 2.
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén có năm sản xuất từ năm 2017 áp dụng mức 3. Riêng ô tô đăng ký biển số ở Hà Nội và TP.HCM áp dụng mức khí thải cao hơn là mức 4. Thời gian áp dụng từ ngày 1-1-2026.
Thêm vào đó, ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén có năm sản xuất từ năm 2022 áp dụng mức 4 từ ngày 1-1-2026 và mức 5 từ ngày 1-1-2028. Ô tô có đăng ký biển số của Hà Nội và TP.HCM lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén có năm sản xuất từ năm 2022 áp dụng ngay mức 5 từ ngày 1-1-2027.
Như vậy, cơ quan soạn thảo đã đề xuất giữ nguyên quy định khí thải đối với xe ô tô sản xuất trước 1999 và từ năm 1999. Tuy nhiên, nâng mức áp dụng mức khí thải đối với các phương tiện ô tô lắp động đốt trong, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM.
Cần thiết nhưng phải căn cứ đời sống của người dân
TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nhận định trong bối cảnh toàn cầu đang xem giảm thiểu ô nhiễm không khí và hạn chế phát thải khí nhà kính là yếu tố sống còn, nước ta cũng không thể nằm ngoài mục tiêu đó.
Thực tế, hiện hầu hết các nước trên thế giới đều đưa ra quy định về kiểm soát khí thải đối với ô tô đang lưu hành, tuy nhiên cách thức quản lý và mức độ nghiêm ngặt khác nhau.
Với Việt Nam, ông cho biết hiện cả nước có hơn 6 triệu ô tô đang lưu hành, trong đó Hà Nội và TP.HCM có trên 2 triệu ô tô, còn lại là xe máy. So với thế giới, lượng ô tô trong nước chưa phải là nhiều, nên cần có lộ trình “xanh hóa” hệ thống giao thông, không thể một bước đuổi kịp các nước Châu Âu.
Tiêu chuẩn khí thải của Châu Âu (EURO) được nhiều nước áp dụng và hiện có 6 mức từ Euro 1 đến Euro 6. Tại Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn khí thải từ 1 đến 5 đối với các phương tiện xe nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp...
Theo đó, chuyên gia cho rằng trước mắt Nhà nước cần có một chính sách toàn diện. Cụ thể là phối hợp với doanh nghiệp sản xuất xe điện, nhập khẩu xe chạy bằng năng lượng hydro. Song song đó, chuyển đổi các phương tiện công cộng sử dụng động cơ đốt trong sang phương tiện “xanh”, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện “xanh”.
Thêm vào đó, chúng ta điều chỉnh tiêu chuẩn khí thải theo hướng, nếu đang áp dụng mức 2 thì tăng lên mức 3 hoặc 4, nếu từ mức 2 lên mức 5 hơi cao. Bởi lẽ, đời sống của đa phần người dân đang khó khăn và việc nâng quá cao cũng có thể gây lãng phí đối với nước ta.
“Tóm lại, xanh hóa giao thông là cần thiết nhưng cần có lộ trình trên cơ sở năng lực kinh tế và thực tế, cụ thể ở đây là khả năng sản xuất phương tiện xanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân. Cần tránh việc đưa ra các quy định nhưng không thực hiện được cuối cùng không tạo ra hiệu quả”- TS Nguyễn Xuân Thủy góp ý.
Một chuyên gia môi trường cũng cho biết “siết” tiêu chuẩn khí thải là yêu cầu tất yếu, có thể làm tăng chi phí sở hữu phương tiện cho người dân vì giá xe sản xuất theo tiêu chuẩn khí thải cao hơn.
Người dân cũng có thể gặp khó khăn trong việc mua bán xe cũ khi các xe có tiêu chuẩn khí thải thấp dần bị loại bỏ khỏi thị trường. Các doanh nghiệp vận tải buộc phải nâng cấp đội xe, tạo áp lực tài chính nếu không có cơ chế hỗ trợ.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng việc yêu cầu khắt khe về khí thải giúp cải thiện chất lượng không khí toàn diện, kích thích thị trường ô tô chuyển đổi sang xe có tiêu chuẩn phát thải thấp, mở ra cơ hội cho các dòng xe điện và xe hybrid…
“Vì vậy, chúng ta cần đưa ra mức phù hợp để vừa đáp ứng xanh hóa hệ thống giao thông nhưng đồng thời đảm bảo đời sống của người dân”- vị chuyên gia này nói.
Các nước kiểm soát khí thải ra sao?
Hoa Kỳ: Việc kiểm soát khí thải ô tô đang lưu hành ở Mỹ được thực hiện tùy từng bang. Một số bang không yêu cầu kiểm tra định kỳ, một số bang chỉ yêu cầu kiểm tra an toàn kỹ thuật hoặc chỉ kiểm tra chất lượng khí thải, một số bang kiểm tra cả an toàn kỹ thuật và chất lượng khí thải.
Thời gian kiểm định và chu trình thử cũng tùy thuộc từng bang, thông thường ô tô sau 6-7 năm sử dụng sẽ bắt đầu kiểm tra định kỳ 12 năm/lần.
Nhật Bản: Kiểm tra định kỳ thực hiện 2 năm 1 lần đối với ô tô cá nhân sau 3 năm sử dụng, xe tải dưới 8 tấn sau 2 năm sử dụng, thực hiện 1 năm 1 lần đối với xe tải trên 8 tấn.
Trung Quốc: Ô tô con sau 6 năm sử dụng và xe con kinh doanh sau 5 năm sử dụng phải thực hiện kiểm tra khí thải 2 lần/năm. Xe tải cá nhân dưới 10 năm sử dụng, kiểm tra hàng năm, hơn 10 năm sử dụng phải kiểm tra 6 tháng/lần. Xe tải kinh doanh dưới 5 năm sử dụng, kiểm tra hàng năm, hơn 5 năm sử dụng phải kiểm tra 6 tháng/lần.
Hàn Quốc: kiểm soát khí thải từ ô tô đang lưu hành theo dạng định kỳ và dạng kiểm tra toàn diện tùy theo số năm sử dụng. Kiểm tra định kỳ thực hiện 2 năm 1 lần với ô tô con sau 4 năm sử dụng, từ 6 đến 12 tháng 1 lần đối đối với xe tải sau sử dụng 1-2 năm (tùy loại).
Nguồn Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
VIẾT LONG