Tăng tốc

Tăng tốc
3 giờ trướcBài gốc
Chỉ tiêu còn lại là Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người cũng sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng hơn 7%. Trong đó, GDP 9 tháng tăng trưởng 6,82%, ước tính cả năm sẽ đạt 6,8-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6-6,5%).
Đây là kết quả ấn tượng, bởi năm 2024, kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chung của tình hình thế giới. Đồng thời, ở trong nước, bên cạnh những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài từ nhiều năm trước, thiên tai đã gây thiệt hại rất nặng nề. Theo tính toán, cơn bão số 3 có thể làm giảm 0,15% GDP của nước ta trong năm 2024. Tại phiên họp thường kỳ vừa qua, Chính phủ đã đặt ra quyết tâm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm hơn 7%; từ đó đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu Quốc hội đặt ra cho năm 2024. Các bộ, ngành, địa phương đang có nhiều nỗ lực để tăng tốc, chuẩn bị về đích thành công trong năm 2024 theo đúng mục tiêu mà Chính phủ nêu ra.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: TUẤN HUY
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, nền kinh tế nước ta cũng đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết để đạt được sự phát triển nhanh, nhưng phải bền vững hơn.
Thống kê cho thấy, 9 tháng qua, có 86,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 14,7%; gần 61,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4%; gần 15,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là vấn đề cần được phân tích rất kỹ lưỡng để có giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bởi sức khỏe của doanh nghiệp phản ánh khá rõ nét sức khỏe của nền kinh tế. Muốn kinh tế phát triển vừa nhanh, vừa bền vững thì phải chăm lo cho sức khỏe của doanh nghiệp.
Căn cứ vào những đề nghị giúp đỡ của doanh nghiệp trên các diễn đàn trong thời gian gần đây, có thể thấy các doanh nghiệp đang rất đói vốn. Do vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu là cần tập trung giải pháp để tháo gỡ cho thị trường vốn, giúp doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận với các nguồn vốn vay để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo đảm an toàn tín dụng.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp, người dân có đủ vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, cung cấp nhiều hơn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ra thị trường, nhưng cầu về hàng hóa yếu thì có thể lại lâm vào cảnh khó khăn chồng chất khó khăn. Vì thế, cùng với giải pháp tăng tổng cầu hàng hóa ở thị trường trong nước thì đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa cũng cần phải được coi trọng, tiến hành thường xuyên hơn...
Cuối cùng, hơn ai hết, chính doanh nghiệp phải tích cực đổi mới quản trị và công nghệ, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn sản xuất xanh theo xu hướng ngày càng khắt khe của thế giới. Nếu không đổi mới cách thức sản xuất theo xu hướng tất yếu ấy, sản phẩm hàng hóa sẽ rất khó tìm được chỗ đứng trên thị trường và việc phải dừng cuộc chơi là điều khó tránh khỏi.
Hy vọng, bên cạnh nỗ lực tăng tốc, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng cần quan tâm hơn và thực hiện có hiệu quả hơn các giải pháp phát triển bền vững mà Chính phủ đã nêu ra, tránh rơi vào tình trạng hụt hơi sau đà tăng tốc mạnh...
THÙY LÂM
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tang-toc-799709