Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 7 chương, 69 điều, quy định đầy đủ về các nội dung: nguyên tắc xử lý dữ liệu, quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu và bên liên quan, chuyển dữ liệu ra nước ngoài, đánh giá tác động dữ liệu, xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu, xử lý vi phạm và cơ chế kiểm tra, giám sát. Luật cũng điều chỉnh cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu công dân Việt Nam.
Ngày 23.4, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã tổ chức tọa đàm "Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân". Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA), Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) khẳng định, Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân là bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa quyền con người, quyền công dân, phù hợp với định hướng "lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực" mà Nghị quyết số 27 của Trung ương đã đề ra. Việc xây dựng luật không chỉ đáp ứng nhu cầu nội tại, mà còn là yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm chủ quyền số quốc gia.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA), Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) - Ảnh: CAND
Theo ông Chính, Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được Bộ Công an xây dựng trên tinh thần hết sức cầu thị, nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm quốc tế; lấy ý kiến góp ý rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tiến hành khảo sát một số cơ quan, doanh nghiệp trong các lĩnh vực quan trọng có hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân quy mô lớn; tổ chức hội thảo quốc tế tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân với sự tham gia của hơn 700 cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, thực trạng bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động. Tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân trên không gian mạng cũng thường xuyên diễn ra. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Nhiều dịch vụ trên không gian mạng mới xuất hiện, có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích thông tin, dữ liệu cá nhân nhưng không có cơ chế quản lý dữ liệu người dùng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Giai đoạn những năm 2010, khi thị trường kinh doanh số tại Việt Nam còn sơ khai, môi trường pháp lý thiếu chặt chẽ đã tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt thâm nhập mà gần như không bị ràng buộc về trách nhiệm dữ liệu. Trong khi đó, tại châu Âu, các quy định như Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) đã xử phạt hàng tỉ USD đối với các hành vi vi phạm. Ở Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có tiền lệ xử lý tương tự.
Những thách thức này đặt ra yêu cầu cấp bách xây dựng và hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm thể chế hóa các quy định của hiến pháp và pháp luật về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng.
Theo thống kê, trên thế giới đã có hơn 140 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó gần nhất là Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia. "Việt Nam cũng không thể chậm trễ hơn trong việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ Công an khẩn trương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 vào tháng 5.2025", trung tướng Nguyễn Minh Chính nhấn mạnh.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia, cơ sở hạ tầng dữ liệu và mạng lưới trung tâm dữ liệu được cải thiện.... Việt Nam hiện có gần 80 triệu người sử dụng internet, chiếm tới hơn 2/3 dân số, đứng thứ 7 thế giới.
Theo đó, thông tin và dữ liệu, trong đó có dữ liệu cá nhân, sẽ trở thành tài nguyên có giá trị nhất, sức mạnh ngày càng lớn và có thể sử dụng không hạn chế về quy mô, không gian, thời gian. An ninh dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân gắn kết chặt chẽ với an ninh con người, an ninh quốc gia và chủ quyền dữ liệu quốc gia.
Tuyết Nhung