Tăng tốc đầu tư các tuyến đường kết nối TP.HCM

Tăng tốc đầu tư các tuyến đường kết nối TP.HCM
20 giờ trướcBài gốc
Những đại lộ dang dở
Một sáng cuối tháng 3, anh Nguyễn Ngọc Đạt có chuyến chở khách từ ngã tư Bình Phước vào bến xe Miền Đông cũ. Quãng đường chỉ hơn 6km nhưng mất hơn 30 phút. Nguyên nhân là vào giờ cao điểm, tuyến đường này luôn chịu cảnh ùn tắc bởi dòng phương tiện hướng từ Bình Dương đổ vào TP.HCM.
Quốc lộ 13 nối TP.HCM với Bình Dương, trong khi đoạn qua Bình Dương đã được mở rộng 8 làn xe thì đoạn qua TP.HCM chỉ vẫn 4 làn xe, thường xuyên ùn tắc.
"Buổi sáng tắc hướng vào, chiều tắc hướng ra. Có khi gặp tàu hỏa chạy qua còn tắc hơn nữa", anh Đạt ngán ngẩm.
Hiện, quốc lộ 13 là tuyến đường chính ở hướng Đông Bắc kết nối từ Bình Dương vào trung tâm TP.HCM. Trong khi đoạn quốc lộ 13 qua Bình Dương đã được mở rộng lên 30m, mỗi bên rộng 8 làn xe thì đoạn qua TP.HCM chỉ 4 làn xe, tạo thành nút thắt cổ chai, thường xuyên ùn tắc.
Ở hướng ra phía Bắc, tuyến Xa lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp) từ cầu Sài Gòn đến cầu Đồng Nai với chiều dài 15,7km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài 13,3km, đoạn qua Bình Dương 2,4km đã được đầu tư 15 năm trước.
Đoạn qua TP.HCM đã cơ bản được nâng cấp đường chính và xây dựng hai đường song hành với quy mô 113 - 153m, cho 12 - 16 làn xe. Trong khi đó, đoạn qua tỉnh Bình Dương vẫn nằm im mấy năm nay vì vướng mặt bằng.
Ám ảnh kẹt xe
Chuẩn bị lễ 30/4, gia đình chị Bùi Hoài Linh (quận 11, TP.HCM) đang có kế hoạch cho cả gia đình đi Vũng Tàu tắm biển. Khách sạn đã thuê, kế hoạch đã lên sẵn, nhưng điều khiến chị ngại nhất là kẹt xe lúc đi đường.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành, hướng kết nối chính từ TP.HCM đi Đồng Nai, Vũng Tàu hiện đang quá tải.
Tuyến đường quen thuộc hiện nay từ TP.HCM đi Vũng Tàu là theo cao tốc TP.HCM - Long Thành, đến quốc lộ 51. Gần đây, cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua Đồng Nai đã đưa vào khai thác, góp phần chia tải nhưng nhiều lúc vẫn ùn tắc ở cầu Long Thành.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành và quốc lộ 51 đã quá tải nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được mở rộng. Cầu Cát Lái dù đã được bàn thảo nhiều lần nhưng đến nay TP.HCM và Đồng Nai vẫn chưa chốt được vị trí và phương án đầu tư. Người dân TP.HCM mỗi dịp lễ, Tết muốn đi tắm biển Vũng Tàu vì vậy thường "quá cảnh" qua các tuyến đường bộ qua Đồng Nai.
"Mấy lần trước đi từ Vũng Tàu về không sao, khi đến cầu Long Thành ùn tắc hơn 30 phút, đến nút giao An Phú tắc thêm 30 phút nữa, về đến nhà mệt lả người", chị Linh kể.
Mở rộng cao tốc, quốc lộ
Những ngày này, các công nhân, nhà thầu thi công dự án nút giao An Phú đang tăng tốc để đưa nhánh hầm HC1 vào khai thác trước 30/4. Nhánh hầm này có vai trò quan trọng trong việc giải tỏa dòng phương tiện từ cao tốc Long Thành, chui qua nút giao để về quận 1 theo hướng hầm Thủ Thiêm. Điều này sẽ giúp hành trình về nhà sau ngày nghỉ lễ 30/4 của người dân bớt phần khó khăn.
Xa lộ Hà Nội, đoạn qua TP.HCM đã mở rộng từ 10 - 12 làn xe, trong khi đoạn qua Bình Dương “đứng hình” nhiều năm.
Cầu Nhơn Trạch cũng đang chạy đua tiến độ, thông xe kỹ thuật trước 30/4 và đưa vào khai thác những tháng tới cũng sẽ giúp việc kết nối TP.HCM - Vũng Tàu thêm thuận tiện.
Trước thông tin đề xuất sáp nhập các tỉnh, thành, chuyên gia nghiên cứu đô thị Trần Hữu Phúc Tiến cho rằng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là các khu vực quan trọng tiếp giáp TP.HCM. Nếu các khu vực này được đưa vào một địa giới hành chính chung sẽ tận dụng được các ưu thế của cả ba và thực hiện tầm nhìn hướng đến kinh tế biển, kinh tế xanh và kinh tế số.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia đô thị, trước hết cần đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh thành một cách đồng bộ để cùng tăng tốc. Khi mở rộng địa giới hành chính, sẽ hạn chế những "đại lộ dang dở" nối giữa các địa phương như hiện nay.
Với tuyến quốc lộ 13, ông Hoàng Quốc Dũng, Phó trưởng Phòng Quản lý - Vận tải đường bộ, thuộc Sở Giao thông công chánh TP.HCM cho biết, đây là một trong số dự án mở rộng ưu tiên từ nghị quyết đã được HĐND TP thông qua. Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức PPP, tổng vốn đầu tư hơn 13.851 tỷ đồng, dự kiến khởi công cuối năm 2025, hoàn thành giai đoạn 2027-2028.
Ban quản lý dự án 7 cũng cho biết đã có tờ trình gửi Bộ Xây dựng thẩm định chủ trương đầu tư dự án mở rộng đường cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành. Với chiều dài 22km, quy mô mở rộng 8 - 10 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 15.300 tỷ đồng (đề xuất lấy từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024), dự kiến triển khai từ quý III/2025 và hoàn thành năm 2026.
Tương lai, các tuyến đường bộ đã được quy hoạch như Vành đai 4, đường ven biển cũng là những tuyến hành lang quan trọng giúp kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng thuận lợi hơn.
Sở Giao thông công chánh TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Tài chính, Tư pháp, Xây dựng và Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đề nghị góp ý phương án đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm đi sân bay Long Thành để sớm trình Thủ tướng Chính phủ.
Tuyến dài 42km, tổng mức đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD, đang được gấp rút thực hiện các thủ tục nghiên cứu báo cáo tiền khả thi, dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10/2025.
Khi tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được xây dựng và cao tốc TP.HCM - Long Thành mở rộng, không chỉ kết nối trực tiếp TP.HCM đi sân bay, mà còn kết nối liên vùng, kéo TP.HCM về gần với biển hơn.
Phan Tư
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/tang-toc-dau-tu-cac-tuyen-duong-ket-noi-tphcm-192250331223313679.htm