Theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 10 của cả nước đạt 52,29%. Có 15/44 bộ, ngành và 41/63 địa phương giải ngân trên mức trung bình của cả nước.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 10 của cả nước ước đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả chưa đáp ứng kỳ vọng này đòi hỏi các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong những tháng cuối năm. Bởi đây là giai đoạn nước rút để tăng tốc giải ngân, phấn đấu mục tiêu đạt trên 95% kế hoạch của Thủ tướng giao.
Bên cạnh các bộ ngành, địa phương giải ngân thấp thì cũng có những đơn vị đã nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước. Mấu chốt nằm ở việc cùng một cơ chế chính sách như nhau, bộ ngành, địa phương nào vận dụng một cách linh hoạt và quyết tâm thì kết quả sẽ có những chuyển biến tích cực.
Tuyến đường ven biển dài hơn 60km, kết nối từ huyện Quỳnh Lưu đến thị xã Cửa Lò của tỉnh Nghệ An. Có tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng, từ vốn đầu tư công của cả Trung ương và địa phương. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 2/2026, nhưng hiện đã gần về đích.
Dự án đường ven biển đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay chỉ còn khoảng 5% khối lượng đang được hoàn thiện. Dự kiến tiến độ có thể vượt khoảng 1 năm so với kế hoạch đề ra. Khâu giải phóng mặt bằng nhanh và đồng bộ là một trong những nguyên nhân chính khiến cho dự án này có thể đẩy nhanh được tiến độ thi công.
Tuyến đường trục kết nối thành phố Vinh với thị xã Cửa Lò cũng là một trong ba dự án trọng điểm được tỉnh Nghệ An hoàn thành vượt tiến độ gần 1 năm. Nhờ xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết từ khâu giải phóng mặt bằng, thi công và giải ngân.
Ông Nguyễn Đức An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cho biết: "Hàng tuần hàng tháng lãnh đạo sở đi kiểm tra hiện trường và tổ chức họp với các đơn vị thi công để nhằm đưa ra các giải pháp".
Tỉnh Nghệ An đã giải ngân trên 62% vốn đầu tư công trong 9 tháng năm nay, đứng trong nhóm cao của cả nước. 4 tổ công tác cấp tỉnh được thành lập để điều hành và tháo gỡ các vướng mắc lớn về đầu tư công. 2 tổ công tác cấp phòng của các sở ngành, chuyên hướng dẫn, giải quyết hồ sơ thủ tục cho các chủ đầu tư, đặc biệt là ở vùng miền núi, nơi trình độ năng lực cán bộ làm dự án còn hạn chế. Ngoài ra, tỉnh cũng liên tục rà soát và điều chuyển vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân tốt.
Ông Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: "Hội đồng nhân dân tỉnh đã thường xuyên họp các phiên họp chuyên đề để ban hành các nghị quyết điều chuyển vốn theo thẩm quyền và ủy ban tỉnh cũng đã điều chuyển vốn ngay từ tháng 6 và liên tục cho đến cuối năm".
Hết 10 tháng, có 15/44 bộ, ngành và 41/63 địa phương ước đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên mức trung bình của cả nước.
GS. TS Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho hay: "Tính quyết liệt của những người triển khai thực thi những dự án này cũng như các cơ quan quản lý có mạnh dạn dám quyết dám chịu trách nhiệm để tháo gỡ khó khăn hay không hay lại ngồi trông chờ để xin các ý kiến vòng vèo".
Tại Công điện số 104 về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công mới đây, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các đơn vị cần quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành và phân công thực hiện rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ và rõ kết quả.
Theo VTV.VN