Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
2 ngày trướcBài gốc
Số liệu báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/3 là 80.306,8 tỷ đồng, đạt 9,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Riêng tháng 4, tốc độ giải ngân vốn đã tăng khá cao, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 30/4 là 128.512,9 tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2024 đạt 16,64%. Trong đó, vốn ngân sách địa phương có tỷ lệ đạt 17,2% cao hơn cùng kỳ năm 2024 (16,56%). “So với tỷ lệ giải ngân cả nước trong 3 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân đã bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lũy kế giải ngân đến hết tháng 2 đạt 5,43%, hết tháng 3 đạt 9,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, và hết tháng 4 đạt 15,56%”, Bộ Tài chính dẫn số liệu.
Giải ngân đầu tư công đã có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh minh họa
Trong 4 tháng năm 2025, có 10/47 Bộ, cơ quan Trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa giải ngân, gồm 9 bộ, cơ quan Trung ương.
Chỉ ra những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án, Bộ Tài chính cho rằng có 4 nhóm chính. Thứ nhất là khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách dẫn đến việc lập, xác định chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn của dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, Luật Đất đai năm 2024 mới có hiệu lực thi hành; các quy định, hướng dẫn về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh cũng được ban hành mới với nhiều nội dung thay đổi, quy định chưa rõ nên ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án.
Nhóm khó khăn thứ 2 là vướng mắc liên quan đến phân bổ vốn. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với nhu cầu thực tế và khả năng thực hiện, chưa thực sự chủ động thực hiện công tác rà soát, chuẩn bị phê duyệt nhiệm vụ, hoàn thiện thủ tục đầu tư ngay từ khâu lập dự toán, kế hoạch, dẫn đến chưa hoàn thành phân bổ hết kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao theo thời hạn quy định, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2025.
Vẫn còn nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa giải ngân, gồm 9 bộ, cơ quan Trung ương. Ảnh minh họa
Nhóm khó khăn thứ 3 là vướng mắc khác trong tổ chức thực hiện, trong đó do quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy, để phù hợp với cơ cấu bộ máy sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn, các cơ quan Trung ương và địa phương phải tạm dừng khởi công mới một số dự án hoặc đang trong quá trình rà soát để điều chỉnh quy mô, phạm vi đầu tư dự án, dẫn đến không tiếp tục bố trí vốn thực hiện dự án để tránh lãng phí… Đối với các dự án ODA, một số dự án chậm giải ngân do đang điều chỉnh chủ trương đầu tư do vượt tổng mức đầu tư, tăng chi phí đền bù. Ngoài ra, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án còn chậm do khó khăn trong việc xác định giá đất đền bù do chưa đạt được thỏa thuận đối với người dân, chậm bàn giao mặt bằng...
Chưa kể, về nguyên vật liệu: Nguồn cung một số nguyên vật liệu hạn chế (đất, cát đắp...); giá nhiều nguyên vật liệu tăng đột biến so với thời điểm mời thầu làm tăng chi phí dự án. Rồi việc quy hoạch khoáng sản theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhiều loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 được ban hành dẫn đến nhiều dự án của địa phương không thể tiếp tục triển khai thực hiện do chồng lấn ranh giới quy hoạch. Một số dự án đã có khối lượng thực hiện nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, thanh toán để giải ngân; việc Tết Nguyên đán vào đầu tháng 2/2025 làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của 3 tháng đầu năm...
Và nhóm khó khăn thứ 4 liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia gồm vướng mắc về cơ chế thực hiện đối với một số nội dung liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đa phần giao về các địa phương (cấp xã) triển khai, công tác phân bổ vốn còn chậm, năng lực quản lý thực hiện các dự án, công trình của cấp xã còn nhiều hạn chế, còn tâm lý sợ sai, chưa quyết liệt trong thực hiện và giải ngân nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trước thực tế này, để triển khai đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đề xuất triển khai một số kiến nghị và giải pháp cụ thể cho số vốn đã phân bổ số vốn chưa phân bổ chi tiết. Riêng đối với các dự án ODA, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chủ quản, chủ dự án bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ điều chỉnh dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng; phối hợp với Bộ Tài chính để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh. Đối với vốn ngân sách địa phương, đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách địa phương, đặc biệt là thu sử dụng đất để đảm bảo tiến độ phân bổ vốn.
Đối với khó khăn liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia, các chủ Chương trình/dự án/tiểu dự án thành phần và UBND tỉnh kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai của địa phương (đặc biệt là các đơn vị cấp xã) để chỉ đạo, tháo gỡ, hướng dẫn, thậm chí cử cán bộ chuyên trách hỗ trợ các đơn vị cấp xã… Bộ Tài chính cũng đề nghị phải xây dựng kế hoạch giải ngân và yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tiến độ giải ngân theo từng tháng, quý, làm cơ sở để rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược.
Hà An
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/kinh-te/tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-i767596/